“Du lịch trong ngày” an toàn, hấp dẫn

Dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay, nhiều người dân TPHCM lựa chọn các chuyến vui chơi gần nhà, dễ dàng di chuyển đi về trong ngày. Đây cũng là dịp trải nghiệm một thành phố “vừa lạ vừa quen”, mà những lúc bận rộn không có thời gian cảm nhận hết được. 
TPHCM đẹp lắm…

“Ngồi đây ngắm TPHCM mình đã quá ha mẹ!”, cô bé 7 tuổi nhanh nhảu trò chuyện cùng người mẹ trẻ, vừa ngân nga theo lời bài hát về TPHCM phát ra từ điện thoại một vị khách trên xe. Hai mẹ con lần đầu trải nghiệm xe buýt mui trần (Hopon-Hopoff của Công ty TNHH Ảnh Việt) dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 ở TPHCM.

Lý do cô bé đưa ra thật đáng yêu: “Ở trên cao, con thấy nhiều cây xanh, các tòa nhà cao tầng và thành phố rộng lớn. Bên dưới xe cộ qua lại rất ít, giống như tết vậy đó”. Tham quan bằng dòng xe này, khách được ghé qua Bưu điện Trung tâm TPHCM (điểm đầu và điểm cuối của lộ trình), Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh…

“Du lịch trong ngày” an toàn, hấp dẫn ảnh 1 Du khách chuẩn bị lên xe buýt mui trần ở TPHCM ngày 30-4 

Chị Nguyễn Thụy Thanh Tuyền, ngụ tại quận 5, mẹ bé, cho hay gia đình có kế hoạch đi chơi xa trong đợt lễ này, nhưng phải tạm ngưng vì lo ngại Covid-19.

“Nghỉ lễ tại TPHCM, gia đình mình ghé Thảo Cầm viên, rồi ngắm nhìn thành phố trên xe buýt mui trần 2 tầng, dạo bộ chụp ảnh gần UBND quận 1; ăn uống, mua sắm tại một số trung tâm thương mại tích hợp… Thế cũng vui rồi”, chị Thanh Tuyền tâm sự. 

Sáng 1-5, nhóm bạn Lê Thành An (28 tuổi, cùng ngụ quận 12, TPHCM) tranh thủ tản bộ khu vực trung tâm, vui chơi trước Bưu điện Trung tâm TPHCM… “Người dân đến các tỉnh thành khác vui chơi, còn chúng mình tranh thủ ngắm Sài Gòn thông thoáng, bình yên”, Lê Thành An vừa chia sẻ, vừa bận rộn nghe điện thoại từ một người bạn thúc giục ra khu vực nhà thờ Đức Bà, cầu Mống… chụp ảnh, ghi hình bằng flycam. Từ quận 1, chạy xe hơn chục cây số đến với vườn Minh Trân - “Vườn ươm giấc mơ Việt” (51 Cống Lở, nay là Trần Thị Trọng, quận Tân Bình), du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bởi không gian văn hóa truyền thống trải dài ba miền Bắc - Trung - Nam.

Chị Lê Thị Phương Hằng, ngụ tại quận 12, chia sẻ, vẫn thỉnh thoảng đưa con tới đây vui chơi, học tập. “Không gian nơi đây hội tụ cả những nét đẹp truyền thống và hiện đại, tạo cảm giác thân thiện, cởi mở. Bọn trẻ sẽ học hỏi được cách làm nông dân, vui chơi các trò chơi đồng đội, tìm hiểu khoa học… đầy thú vị”, chị Phương Hằng nhận xét. 

Cách trung tâm TPHCM khoảng 70km, Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Vàm Sát (huyện Cần Giờ) cũng đón rất nhiều khách từ nội thành ra vui chơi, tham quan trong những ngày qua.

Ông Bùi Văn Phương (70 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp) cho biết, lễ này vợ chồng ông cùng cháu nội 6 tuổi đến Cần Giờ vui chơi. Sáng đi, chiều về bằng ô tô riêng của gia đình nên cũng tiện lợi. Giá dịch vụ được niêm yết sẵn, đồ ăn, thức uống phù hợp, khách không quá đông như những dịp lễ trước giúp ông bà Phương cảm thấy yên tâm. Theo ông Bùi Văn Phương, trẻ con bây giờ giỏi công nghệ, nhưng bị thiếu hụt sự trải nghiệm. Đưa cháu đi chơi với ông bà giúp gắn kết tình thân, bổ sung kiến thức về các loài vật như dơi nghệ, nai, cá sấu… 

Phố đêm rộn ràng

Màn đêm buông xuống, phố phường bắt đầu sôi động theo cách riêng của mình, trong bối cảnh bình thường mới, khi vừa chống dịch Covid-19 vừa đón khách vui chơi, trải nghiệm nhưng vẫn phải đáp ứng tiêu chí an toàn. 

Ghi nhận vào buổi tối tại bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM), người dân, du khách đến vui chơi tấp nập. Du khách trải nghiệm ngắm sông Sài Gòn về đêm, thưởng thức ẩm thực vùng miền, xem các tiết mục nghệ thuật, biểu diễn ca nhạc… khá nhộn nhịp. Xa xa tiếng nhạc, tiếng nói cười vui vẻ rộn ràng lan tỏa dọc bờ sông. Ngay tại tàu Nữ Hoàng - Đông Dương, khách lên tàu buộc phải đeo khẩu trang, xịt rửa tay sát khuẩn theo quy định. 

Theo ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương, số lượng khách đến vui chơi, thưởng lãm các tiết mục văn hóa nghệ thuật, ẩm thực trên thuyền dọc sông Sài Gòn tăng đáng kể so với ngày bình thường. Tâm lý này do một phần khách ngại đi chơi xa để tránh tình trạng chen lấn, chờ đợi; mặt khác cũng cho thấy phần nào sức hút nội tại của du lịch đường sông TPHCM.

Tương tự, tại Khu du lịch Bình Quới 1, lượng khách đến đây thưởng thức buffet Khẩn hoang Nam bộ (vào dịp nghỉ lễ, từ 30-4 đến 1-5) khá đông, nhất là vào buổi tối. Bà Ngô Bích Trân, 73 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, cho hay: “Được nghe đờn ca tài tử cùng những làn điệu quê hương ngọt ngào, bao quanh là không gian mênh mang sông nước Sài Gòn, lại được thưởng thức hàng chục món ngon Nam bộ, tôi cảm thấy như được trở về tuổi thơ bình yên thuở nào”. 

Hiện nay, TPHCM cũng đang khai thác hàng loạt sản phẩm du lịch mới, tạo thêm điểm nhấn vui chơi cho chính người dân thành phố. Điển hình, như tour theo dòng lịch sử, với sản phẩm “Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn”. Khách được lắng nghe những câu chuyện hào hùng, tham quan những nơi từng ghi dấu ấn của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn, xem những kỷ vật, phim ngắn về con đường hoạt động tình báo của các chiến sĩ biệt động năm xưa…

Một số tour du lịch đường sông, trải nghiệm ngắm Sài Gòn về đêm, chẳng hạn như tour “Vọng nguyệt” trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của Công ty Thuyền Sài Gòn cũng được du khách quan tâm… 

Ngành du lịch nói chung, các hãng lữ hành nói riêng vừa nỗ lực khai thác, phát triển các loại hình du lịch TPHCM, đồng thời “căng sức” phòng chống dịch Covid-19 quả thực không hề dễ dàng. Nhưng với sự đồng lòng của người dân - những người sinh ra và lớn lên ở TPHCM cũng như người yêu mến thành phố mang tên Bác, chắc chắn các sản phẩm du lịch mang tính điểm nhấn, có sức hút sẽ ngày càng lan tỏa rộng rãi.

Tin cùng chuyên mục