Du lịch tìm thị trường mới

Tổng cục Du lịch cũng tiến hành quảng bá xúc tiến, giới thiệu Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện đến bạn bè quốc tế. Chương trình kích cầu du lịch quốc tế sẽ được triển khai từ tháng 4 đến tháng 12-2020 với thông điệp “VietnamNOW”, ưu tiên tại các thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ, Nga, Australia và châu Âu…
Du khách nước ngoài tham quan TPHCM ngày 1-3. Ảnh: CAO THĂNG
Du khách nước ngoài tham quan TPHCM ngày 1-3. Ảnh: CAO THĂNG

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ vừa đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan dịch Covid-19. Thông tin này giúp ngành du lịch nước ta có thêm động lực với hàng loạt chính sách kích cầu, các chương trình giảm giá sâu để vực dậy “ngành công nghiệp không khói”. 

Đa dạng kênh quảng bá

Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Pegas Misr Travel Việt Nam (chuyên thị trường khách Nga), thông tin lượng khách Nga đến Việt Nam trong tháng 2-2020 đạt khoảng 19.000 lượt. Riêng tháng 1-2020, công ty đón 18.548 lượt du khách Nga, tăng 27,3% so cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 3 này, khoảng 10.000 khách đặt chỗ và đã có các hợp đồng đặt chỗ trong các tháng 4, 5, 6. Dự kiến, năm 2020, Tập đoàn du lịch quốc tế Pegas Touristik Nga dự tính sẽ đưa khoảng 184.000 lượt du khách Nga đến Việt Nam nghỉ dưỡng. 

Trước đó, Vietnam Airlines kết hợp hệ thống khách sạn Vinpearl tung ra chương trình quảng bá kéo du khách Nga đến Việt Nam từ tháng 3 này. Dự kiến sẽ có 8 đường bay định kỳ hàng tuần Việt Nam - Nga, kết nối trực tiếp 4 thành phố Moscow, Vladivostok, Novosibirsk, Ekaterinburg với Nha Trang (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cũng triển khai chương trình kích cầu lần 1-2020 trên toàn hệ thống, thời gian từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5-2020.

Ngày 29-2, Tổng cục Du lịch cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2-2020 ước tính đạt 1,24 triệu lượt người, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, khách đến từ một số nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại dịch Covid-19. Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3,23 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước nhưng là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn từ 2016-2020.  

Khảo sát của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho thấy, tỷ lệ lấp buồng của khách sạn ở các điểm du lịch từ Bắc vào Nam giảm 20%-50% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, lượng khách quốc tế đến trong tháng 2 và 3-2020 sẽ giảm trên 60%; khách nội địa có thể giảm đến 80% do lo ngại dịch bệnh.

Trong tình hình đó, sự kiện Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan dịch Covid-19 là một tín hiệu vui. Để quảng bá thông điệp Việt Nam an toàn đến du khách, nhiều công ty đã đưa lên mạng xã hội, các kênh quảng bá online hình ảnh, clip về hoạt động tham quan của các đoàn khách, giới thiệu cảnh quan, thiên nhiên Việt Nam tươi đẹp…

Bà Rịa - Vũng Tàu đón gần 700 khách quốc tế
Sáng 1-3, tàu Vasco da Gama chở theo gần 700 khách quốc tế đã cập cảng tổng hợp Thị Vải (thị xã Phú Mỹ). Tàu Vasco da Gama mang theo 304 khách Australia và 326 khách Anh, còn lại đến từ New Zealand, Hà Lan, Đức, Thụy Điển. Ngay khi tàu cập cảng, cán bộ biên phòng, nhân viên y tế Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lên tàu làm thủ tục đi bờ, kiểm tra thân nhiệt trước khi cho khách xuống tàu.
Đặc biệt, Tổng cục Du lịch cũng tiến hành quảng bá xúc tiến, giới thiệu Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện đến bạn bè quốc tế. Chương trình kích cầu du lịch quốc tế sẽ được triển khai từ tháng 4 đến tháng 12-2020 với thông điệp “VietnamNOW”, ưu tiên tại các thị trường Đông Nam Á, Ấn Độ, Nga, Australia và châu Âu…

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel (chuyên thị trường khách châu Âu), đánh giá, về lâu dài việc cơ cấu lại thị trường rất quan trọng. Muốn khai thác thị trường khách nào cần tìm hiểu tâm tính, thói quen, sở thích của đối tượng khách đó để phục vụ chu đáo hơn. Chẳng hạn, khách châu Âu thích sự tinh tế, đẳng cấp nhưng mang màu sắc địa phương, thích cuộc sống náo nhiệt của nơi đến nhưng chọn nghỉ ngơi nơi yên tĩnh. Đối tượng khách này thích ở lâu, trong khi chính sách miễn thị thực nhập cảnh chỉ ưu tiên một số quốc gia nhất định có thời hạn chỉ 15 ngày. Chưa kể đường bay đến châu Âu chưa nhiều, mức giá cao… 

Đại diện Sở Du lịch TPHCM cho biết, sở cũng phối hợp với các cơ quan chuyên trách tăng cường xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế, đa dạng hóa thị trường, gồm các thị trường tiềm năng như Australia, Ấn Độ (thị trường lớn, có mức chi tiêu cao), khai thác thị trường Mỹ và Canada trong bối cảnh thuận lợi sắp có đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ…

Kỳ vọng khách nội địa

Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, đánh giá, nhờ vào các chính sách kích cầu du lịch kịp thời của TPHCM nói riêng, các địa phương khác trên cả nước nói chung mà số lượng tour, tuyến, sản phẩm mới được bung ra nhiều hơn. Du khách trong nước quan tâm nhiều đến các sản phẩm kích cầu, đặt chỗ cho các tour du lịch trong nước…

Mới đây, Vietnam Airlines đã kích cầu giảm giá vé máy bay đặt theo đoàn cho các hãng lữ hành. Biểu giá cùng điều khoản áp dụng đối với 18 đường bay nội địa vừa được Vietnam Airlines gửi cho đối tác, bắt đầu áp dụng cho các hành trình xuất phát từ 1-3 đến 31-5-2020 (mức giảm sâu, khoảng 50%).

Thêm nữa, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng áp dụng giá bán kích cầu, giảm 70%-90%, tùy đối tượng khách mua vé. Ngành du lịch và vận chuyển đang nỗ lực kích cầu, thu hút du khách nội địa để hy vọng sớm phục hồi sau khoảng 3-4 tháng nữa, nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19. 

Du lịch tìm thị trường mới ảnh 1 Du khách trải nghiệm du lịch sông nước ở ĐBSCL. Ảnh: THI HỒNG
Số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2019 vừa qua, lượng khách nội địa đạt 85 triệu lượt, mức chi tiêu bình quân của khách nội địa khoảng 5,8 triệu đồng/lượt khách nghỉ qua đêm và 1,92 triệu đồng/lượt khách không nghỉ qua đêm. Điều này cho thấy tiềm năng rất lớn từ phân khúc khách hàng trong nước.

Trước ảnh hưởng nặng nề tới toàn ngành, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đưa ra 2 kịch bản hồi phục khi dịch Covid-19 suy giảm. Hàng loạt hành động và giải pháp để cứu vãn và phục hồi du lịch đã được lãnh đạo ngành cùng các doanh nghiệp nhanh chóng triển khai. Chương trình kích cầu du lịch nội địa với thông điệp “Việt Nam an toàn” sẽ được triển khai trên phạm vi cả nước, từ tháng 3 đến tháng 8-2020. Đợt cao điểm dành cho khách du lịch nội địa dịp nghỉ hè, áp dụng với hành trình nội địa triển khai cho chương trình khởi hành trước ngày 31-5-2020.

Sở du lịch, sở VH-TT-DL các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch hưởng ứng tham gia chương trình, có chính sách hỗ trợ, miễn giảm phí, lệ phí tham quan tại các khu, điểm du lịch do địa phương quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nội địa và người Việt Nam ở nước ngoài tới tham quan du lịch tại địa phương... 

Khai thác sản phẩm cốt lõi của TPHCM

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đánh giá, TPHCM vẫn thiếu các sản phẩm vượt trội so với các địa phương khác trong khu vực. Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất cần sớm cho ra sản phẩm cốt lõi để giữ chân khách.

Theo đại diện Công ty Roland Berger, một trong 3 tập đoàn tư vấn chiến lược uy tín hàng đầu thế giới, TPHCM có văn hóa uống cà phê, uống bia rất hay và hiếm có nơi nào trên thế giới có thể cung cấp nhiều loại bia cho du khách như TPHCM. Ẩm thực TPHCM cũng cực kỳ nổi tiếng với những món ăn vặt, phở, bánh mì… Do vậy, việc phát triển du lịch gắn với ẩm thực là điều không thể thiếu.

Công ty Tư vấn Roland Berger cũng đề nghị, trong chiến lược phát triển du lịch, TPHCM nên hướng đến hình ảnh: là đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, nơi du khách được trải nghiệm sự khác biệt của các giá trị di sản văn hóa, lối sống an toàn, thông minh, nhiều cung bậc cảm xúc…

Tin cùng chuyên mục