Du lịch thế giới ngưng đọng thời Covid-19

Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tổ chức Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) Gloria Guevara cho rằng, dịch Covid-19 có nguy cơ sẽ gây thiệt hại ít nhất 22 tỷ USD đối với ngành du lịch thế giới.
Khách du lịch tự bảo vệ bằng khẩu trang khi đến Seoul, Hàn Quốc
Khách du lịch tự bảo vệ bằng khẩu trang khi đến Seoul, Hàn Quốc

Mất ít nhất 1 năm phục hồi 

Đây là số liệu do WTTC phối hợp cùng Công ty Nghiên cứu Oxford Economics tính toán sơ bộ. Tính toán này dựa trên kinh nghiệm về các cuộc khủng hoảng trước đó như Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) hoặc dịch cúm H1N1, và dựa trên những thiệt hại do số lượng khách du lịch Trung Quốc sụt giảm trong những tuần gần đây.

Theo Oxford Economics, thiệt hại trên được ước tính theo kịch bản khả quan nhất, với giả định số lượt khách Trung Quốc du lịch ra nước ngoài giảm 7%. Tuy nhiên, mức thiệt hại có thể tăng gấp đôi, lên tới 49 tỷ USD nếu dịch Covid-19 kéo dài tương tự SARS (từ tháng 11-2002 đến tháng 7-2003). Thậm chí con số này có thể tăng tới 73 tỷ USD nếu dịch Covid-19 hoành hành lâu hơn nữa. Trước đó, đã có dự đoán cho rằng, ngành du lịch toàn cầu có thể mất đi 80 tỷ USD doanh thu lợi nhuận và phải mất ít nhất 1 năm để phục hồi từ những tác động của đợt dịch bùng phát.

Lý do chủ yếu đến từ việc hàng triệu du khách Trung Quốc, nơi có vùng tâm dịch Vũ Hán, hủy các kế hoạch du lịch và những dự định nghỉ dưỡng trong tương lai, vì lo ngại sự an toàn gây ra bởi dịch bệnh. Hàng loạt công ty du lịch và đặt phòng trực tuyến cho biết, đã có hiện tượng giảm mạnh doanh thu từ sự cộng hưởng sụt giảm nhu cầu dịch vụ của ngành du lịch, từ đặt phòng khách sạn đến sức mua ở các cửa hàng bán lẻ nước ngoài. 

Trong năm 2018, khách du lịch Trung Quốc đã thực hiện tới 150 triệu chuyến du lịch quốc tế và chi tiêu hơn 277 tỷ USD tại nước ngoài. Nhưng kinh tế tăng trưởng chậm hơn cùng chiến tranh thương mại với Mỹ vào năm ngoái đã khiến thị trường này bị kìm lại. Thị trường du lịch có khách Trung Quốc chiếm số đông còn bị đóng băng hoàn toàn bởi dịch Covid-19, do Chính phủ Trung Quốc cấm đưa khách đoàn ra nước ngoài và hàng loạt hãng bay quốc tế tạm dừng chuyến đến quốc gia này. 

Giới nghiên cứu du lịch cho rằng, các nền kinh tế phụ thuộc nhiều nhất vào khách du lịch từ Trung Quốc đại lục sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề như các vùng lãnh thổ Hồng Công và Macao của Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia và Philippines. Thiệt hại nặng nề nhất sẽ xảy ra cho các quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, nơi tập trung khoảng 20 điểm đến hàng đầu của khách Trung Quốc. Ngoài ra, còn có các điểm đến như Nga, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đã giảm đáng kể. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá sự bùng phát của dịch Covid-19 có thể khiến các hãng hàng không toàn cầu thiệt hại 29 tỷ USD do ngành du lịch chịu tác động nặng nề. Theo IATA, giao thông hàng không toàn cầu có thể giảm 4,7% trong năm nay, đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac đánh giá, đây là thời điểm đầy thách thức đối với ngành hàng không toàn cầu. Cố vấn Tổ chức Du lịch Thế giới Saeed el-Batouti cũng cho rằng, sự bùng phát của dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch và hàng không toàn cầu, trở thành trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WTO) đã đưa ra khuyến nghị, các nước trên thế giới áp dụng các biện pháp bảo vệ sức khỏe tránh gây “ảnh hưởng thái quá đến giao thông và thương mại quốc tế”, ồng thời cho rằng, các lệnh hạn chế đi lại cần phù hợp để không tác động tiêu cực đến ngành du lịch.

Châu Á tìm cách cứu du lịch 

Nhằm hạn chế tác động lớn của dịch Covid-19 lên ngành du lịch, một số quốc gia châu Á đã nhanh chóng đưa ra một số biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp không khói này. Tại Thái Lan, chính phủ đã thông qua nhiều biện pháp hỗ trợ khẩn cấp dành cho các công ty kinh doanh lữ hành bị tác động bởi dịch bệnh. Các biện pháp này bao gồm một chương trình vốn vay ưu đãi và hoãn trả vốn lẫn lãi trong 6 tháng do các ngân hàng nhà nước thực hiện, như: Ngân hàng Krungthai, Ngân hàng Tiết kiệm Chính phủ và Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp. Bộ Tài chính Thái Lan cũng sẽ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu máy bay và tạm hoãn đóng thuế thu nhập trong 6 tháng đối với các công ty kinh doanh lữ hành, trong khi Bộ Giao thông sẽ giảm phí hạ cánh.

Theo Cục trưởng Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt Patchara Anuntasilpa, việc giảm thuế đối với nhiên liệu máy bay sẽ chỉ được áp dụng đối với các chuyến bay trong nước trong một thời gian nhất định.

Trong khi đó, ông Kobsak Pootrakool, Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của Thủ tướng, cho biết, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc các biện pháp bổ sung nhằm kích thích du lịch nội địa. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Yuthasak Supasorn, dịch bệnh Covid-19 gây ra sẽ khiến số lượng du khách Trung Quốc tới “Xứ sở chùa vàng” giảm tới 80% (khoảng 2,32 triệu lượt trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4-2020, với thất thu ước tính 98 tỷ baht (3,14 tỷ USD). Tuy nhiên, TAT vẫn duy trì chỉ tiêu đón 41,8 triệu lượt du khách nước ngoài tới Thái Lan trong năm nay, mang về doanh thu 2.220 tỷ baht (70,5 tỷ USD). TAT cho biết, những nỗ lực tiếp thị sẽ chuyển sang các thị trường khác thay cho Trung Quốc, trong đó có ASEAN, Ấn Độ, Nga, Ukraine, Đông Âu, Mỹ và Mexico.

Ở Singapore, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp nước này, ông Chan Chun Sing, cho rằng, tác động của dịch Covid-19 có thể  sâu rộng và kéo dài hơn so với dịch SARS hồi năm 2003. Dù vẫn còn sớm để ước tính thiệt hại về kinh tế, nhưng Chính phủ Singapore sẽ tiến hành những biện pháp để giúp các doanh nghiệp trong ngành du lịch giảm thiểu thiệt hại. Trước mắt, Singapore sẽ miễn phí đăng ký kinh doanh cho các khánh sạn (khoảng 300-500 SGD/năm, tương đương 220 - 365 USD/năm), các công ty du lịch, hướng dẫn viên, cũng như sẽ hỗ trợ chi phí tẩy trùng tại các khách sạn có bệnh nhân nhiễm virus nCoV lưu trú.

Ủy ban Du lịch Singapore sẽ hỗ trợ tối đa 20.000 SGD (tương đương 14.600 USD) cho các khách sạn có bệnh nhân nhiễm virus nCoV lưu trú và 10.000 SGD (tương đương 7.300 USD) cho các khách sạn có khách lưu trú nghi nhiễm virus này. Ngoài ra, một gói hỗ trợ khác sẽ sớm được Chính phủ Singapore công bố. Theo đó, ngành du lịch và vận tải chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch Covid-19 sẽ được hỗ trợ các khoản vay bắc cầu để khắc phục khó khăn trước mắt về nguồn vốn. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch Singapore, lượng du khách từ Trung Quốc chiếm tới 20% tổng số khách du lịch quốc tế tới đảo quốc sư tử này hàng năm. Năm 2019, Singapore đã đón tổng cộng 3,6 triệu lượt du khách quốc tế.

Chính phủ Malaysia đã công bố gói kích thích kinh tế năm 2020 trị giá 20 tỷ ringgit Malaysia (RM), tương đương 4,7 tỷ USD, để hỗ trợ các ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói kích thích kinh tế năm 2020 tập trung vào 3 sách lược chủ yếu: Xử lý ảnh hưởng của dịch, khuyến khích tăng trưởng lấy con người làm gốc và khuyến khích đầu tư có chất lượng. Đối với ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, Chính phủ Malaysia áp dụng 3 biện pháp: miễn thuế thu nhập cá nhân 1.000 RM đối với những người làm việc liên quan tới lĩnh vực du lịch trong nước, phát phiếu ưu đãi du lịch trong nước trị giá 100 RM cho người dân để sử dụng đi máy bay và nghỉ tại khách sạn trong nước, nới lỏng quy định lưu trú tại khách sạn của nhà nước.

Ngoài ra, Chính phủ Malaysia còn hỗ trợ một lần 600 RM cho các tài xế taxi, xe buýt du lịch, hướng dẫn viên du lịch, tài xế xích lô máy đã đăng ký; hỗ trợ 400 RM/tháng cho các bác sĩ và nhân viên y tế trực tiếp xử lý dịch Covid-19; hỗ trợ 200 RM cho các nhân viên di trú và các nhân viên liên quan ở tuyến đầu từ tháng 2 cho tới khi dịch kết thúc.

Tại Hàn Quốc, Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki cho biết, chính phủ sẽ lập chương trình hỗ trợ vốn khẩn cấp quy mô tối đa 300 tỷ won (254 triệu USD) cho các hãng hàng không giá rẻ. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ gia hạn thời hạn nộp phí sử dụng hạ tầng hàng không trong vòng tối đa 3 tháng đối với những hãng hàng không giá rẻ phải tạm dừng hoặc giảm số đường bay do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ở lĩnh vực du lịch, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hỗ trợ vốn vay đặc biệt không cần bảo lãnh quy mô 50 tỷ won (tương đương 42,3 tỷ USD), lãi suất thấp 1% để giúp các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ giải tỏa khó khăn về vốn. Chính phủ cũng sẽ mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ vốn vay thông thường quy mô tối đa 3 tỷ won (2,5 triệu USD), kéo dài thời gian đáo hạn tối đa một năm nếu có đề nghị từ doanh nghiệp. Các khách sạn, nhà nghỉ sẽ được miễn giảm thuế tài sản. Với các nhà hàng ăn uống, chính phủ sẽ mở rộng quy mô hỗ trợ vốn hiện đang là 10 tỷ won (8,4 triệu USD) và giảm 0,5% lãi suất cho vay.

Tin cùng chuyên mục