Du lịch thành phố cảng - cơ hội vàng bứt phá

Là thành phố cảng lâu đời, với các điểm du lịch nổi tiếng Đồ Sơn, Cát Bà, trong đó quần đảo Cát Bà hội tụ 5 danh hiệu quốc gia và quốc tế: Danh lam thắng cảnh - Di tích quốc gia đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn Biển và là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới... Hải Phòng được xác định là điểm đến có vị trí quan trọng, là động lực đặc biệt để phát triển du lịch vùng Duyên hải. Tuy nhiên, để những tiềm năng có thể biến thành cơ hội, đưa du lịch đất Cảng phát triển đúng vị thế vẫn cần nhiều nỗ lực.

Ngày 20-4, tại hội thảo du lịch “Du lịch Hải Phòng - Cơ hội vàng để bứt phá” do Tổng cục Du lịch Việt Nam và Sở Du lịch Hải Phòng và Báo Tiền Phong tổ chức, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao những tiềm năng phát triển du lịch của thành phố cảng bởi đây vừa là đầu mối giao thông quan trọng, là một trong những trung tâm du lịch biển lớn của khu vực miền Bắc và của cả nước. Đây cũng là vùng đất lâu đời với nhiều truyền thống văn hóa, lịch sử, lễ hội quan trọng cũng như tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú gắn liền với biển và tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch Hải Phòng được định hướng phát triển bền vững, trở thành một trong những trọng điểm du lịch quốc gia, mang đậm bản sắc và vùng đất con người Hải Phòng.

Du lịch thành phố cảng - cơ hội vàng bứt phá ảnh 1 Hải Phòng hội tụ đầy đủ tiềm năng phát triển du lịch với các lợi thế cả về đường biển, đường sắt, đường bộ và đường không
Phân tích kỹ hơn ông Nguyễn Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch cũng khẳng định: Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 đã xác định 7 khu vực động lực của du lịch Việt Nam, trong đó có khu vực động lực Hà Nội Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình. Đây là khu vực động lực đặc biệt quan trọng với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển du lịch của cả vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, rộng hơn có thể là cả khu vực miền Bắc... Là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc; hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông thời gian qua được đầu tư mạnh, có bước phát triển đột phá theo hướng đồng bộ, hiện đại... đã khẳng định vị trí của Hải Phòng - điểm cuối của “Hai hành lang, một vành đai hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc” gồm: hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng.

Tuy nhiên, tại sao sở hữu nhiều tài nguyên du lịch có giá trị cao như vậy mà mỗi năm Hải Phòng mới chỉ đón 1 triệu lượt khách quốc tế, chiếm 1/18 lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019 đó cũng là trăn trở của nhiều nhà quản lý, chuyên gia và người làm du lịch yêu mến vùng đất này.

Du lịch thành phố cảng - cơ hội vàng bứt phá ảnh 2 Hội thảo “Du lịch Hải Phòng Cơ hội vàng bứt phá” đã diễn ra sáng 20-4 tại Hải Phòng
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, nhận định: Để đạt được mục tiêu phát triển Hải Phòng trở thành trọng điểm du lịch lớn của cả nước và là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, thành phố cần phải chủ động đổi mới mạnh mẽ tư duy về phát triển du lịch và có những quyết sách táo bạo tạo nền tảng để du lịch bứt phá.

Nhận định hàng không và du lịch có mối liên kết tương hỗ mạnh mẽ, ông Hồ Quốc Cường - Trưởng phòng Vận tải Cục Hàng không Việt Nam đề xuất, Hải Phòng cần kiến nghị Chính phủ cho thí điểm áp dụng miễn thị thực đối với hành khách người nước ngoài trên các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến cảng hàng không quốc tế Cát Bi và có kế hoạch lưu trú tại Hải Phòng tối thiểu 2 đêm. Phối hợp với Tổng cục Du lịch tăng cường công tác quảng bá du lịch Hải Phòng qua các nền tảng số, các kênh thông tin trên thế giới.

Du lịch thành phố cảng - cơ hội vàng bứt phá ảnh 3 Sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú, điểm đến này hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển vượt bậc
Nhận định hiệu quả kinh tế du lịch Thành phố Cảng thấp, cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ còn nhỏ bé. Các chuyên gia của Hội đồng Tư vấn du lịch cũng chỉ ra công tác quản lý nhà nước về du lịch ở Hải Phòng, được quan tâm, chú trọng, song hiệu quả vẫn chưa được cao, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Sản phẩm du lịch của Hải Phòng chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn, chưa được đầu tư đúng mức và chưa khai thác hết được tiềm năng, thế mạnh.

Các chuyên gia này cũng đồng thời đưa ra 6 đề xuất với Hải Phòng: Ưu tiên quy hoạch chiến lược với định hướng liên kết vùng; cải thiện cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, nhất là nhà đầu tư có chất lượng; phát triển sản phẩm du lịch như golf, nghỉ dưỡng biển đồng thời quản lý chất lượng sản phẩm và dịch vụ; đẩy mạnh tiếp thị điểm đến nhằm định vị thương hiệu du lịch Hải Phòng; phát triển nguồn nhân lực du lịch; phát triển cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay, bến cảng tàu du lịch, đường bộ, tàu thủy, quản lý các dịch vụ phụ trợ như khu vui chơi giải trí, chợ đêm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc đề nghị du lịch Hải Phòng tập trung phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng hóa, kết nối với các tỉnh, thành phố khác như miền Trung, Hà Nội, Quảng Ninh... nhằm tạo ra các nhóm sản phẩm du lịch, nâng chất các sản phẩm hiện có. Đây là việc cần thiết phải làm để tạo hành lang an toàn, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, hình thành tour trọn gói; tăng khả năng chi tiêu của du khách; quan tâm phát triển một số mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm... Bên cạnh đó, Hải Phòng cần đẩy mạnh xúc tiến mở các đường bay từ cảng hàng không quốc tế Cát Bi nhằm tối ưu hóa hiệu suất sử dụng trong hoạt động du lịch.

Tin cùng chuyên mục