Du lịch nhờ địa chất

Cũng như nhiều ngành nghề khác, du lịch thế giới đã hứng chịu một năm 2020 tổn thất nặng nề chưa từng có trong lịch sử vì đại dịch Covid-19, nhưng đây cũng được coi là thời điểm để ngành du lịch nhiều nước chuẩn bị chuyển động mạnh mẽ cho năm 2021.
Đãi vàng ở Uzbekistan
Đãi vàng ở Uzbekistan

Ủy ban Nhà nước về phát triển du lịch của Uzbekistan vừa thông báo kế hoạch biến 2 mỏ vàng lớn nhất cả nước ở Amantaytau và Daugiztau thuộc sa mạc Kyzylkum ở miền Trung nước này thành các điểm du lịch đón du khách nước ngoài.

Du lịch địa chất là một cách tiếp cận du lịch mới theo định hướng phát triển du lịch bền vững, mang đến cho du khách hình ảnh, trải nghiệm du lịch thú vị, hiểu biết thêm về lịch sử, cơ chế hình thành của các thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên từ các quá trình thành tạo địa chất nội sinh và ngoại sinh, từ đó giúp du khách thêm ý thức bảo vệ thiên nhiên và môi trường trái đất. Đây là một phần trong nỗ lực phát triển du lịch địa chất tại quốc gia Trung Á này.

Uzbekistan là quốc gia đông dân nhất Trung Á, nằm trên Con đường tơ lụa nối Trung Quốc với Tây Á thời cổ đại. Các thành phố lớn như Samarkand, Bukhara hay Khiva đều là nơi Con đường tơ lụa đi qua. Những kiệt tác kiến trúc cổ kính được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa ở những thành phố này rất thu hút khách du lịch. Hơn 4 năm qua, Chính phủ Uzbekistan đã có hàng loạt biện pháp thúc đẩy du lịch nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 đón hơn 9 triệu du khách nước ngoài, nâng tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch trong tổng sản phẩm quốc nội từ 2,3% của năm 2017 lên mức 5%, theo THX.

Nằm trên vành đai vàng Trung Á, Uzbekistan còn là quốc gia sở hữu tài nguyên thiên nhiên bậc nhất thế giới. Theo kế hoạch trên, dự kiến du khách nước ngoài tới đây có thể theo dõi quá trình khai thác tại mỏ và lọc tách vàng. Trong bối cảnh du lịch địa chất ngày càng trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây, Uzbekistan - sở hữu trữ lượng vàng lớn thứ 4 toàn cầu, càng có lợi thế lớn về địa chất và khoáng vật học.

Không riêng Uzbekistan, nhiều nước đã nâng cao nhận thức về sự hợp tác, ứng phó giữa các lợi thế quốc gia để chuẩn bị tái khởi động ngành du lịch, theo đó tiếp tục tìm kiếm tăng trưởng kinh tế nhờ duy trì việc gắn kết hoạt động sau khai thác và chế biến khoáng sản với hoạt động du lịch. Tại Malaysia, kinh tế du lịch trong các mỏ sau khai thác là một nguồn thu nhập đáng kể và độc đáo của nước này. Hay tại Brunei có tour tham quan Trung tâm chế xuất dầu khí Oil Field cách thủ đô khoảng 80km.

Tại bang Victoria (Australia), chỉ cách Melbourne khoảng 100km về hướng Tây Bắc, có thị trấn Ballarat cổ kính được coi là nơi khởi phát phong trào đào đãi vàng ở bang Victoria, đang được chính quyền địa phương tiếp tục khai thác như một “bảo tàng ngoài trời” để phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu về nghề khai thác vàng. Khu vực hầm mỏ Johannesburg của Nam Phi cũng vậy, sau nhiều thập kỷ khai thác triệt để, ngày nay khu vực này tiếp tục đón khách tham quan thám hiểm khám phá các công đoạn khai thác vàng dưới lòng đất… Du lịch địa chất được xem là một trong những liều thuốc có sẵn nhằm tăng cường sức đề kháng cho ngành du lịch thế giới trước cú sốc của đại dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục