Du lịch Đông Nam bộ vượt khó

Năm vừa qua, du lịch cả nước đã chịu nhiều tổn thất nặng nề do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thế nhưng so với cả nước, bức tranh của ngành công nghiệp không khói khu vực Đông Nam bộ vẫn xuất hiện những gam màu tươi sáng.
Du khách vui chơi tắm biển trong dịp Tết Tân Sửu tại TP Vũng Tàu
Du khách vui chơi tắm biển trong dịp Tết Tân Sửu tại TP Vũng Tàu

Điểm sáng từ núi Bà Đen

Năm 2020, Tây Ninh nổi lên như một điểm sáng của ngành du lịch Đông Nam bộ với lượng khách khoảng 4,7 triệu lượt, đạt 87% so cùng kỳ năm 2019, trong đó Khu du lịch (KDL) quốc gia núi Bà Đen nhờ hệ thống cáp treo hiện đại với nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới do Tập đoàn Sun Group đầu tư đi vào hoạt động ngay từ đầu năm đã khiến núi Bà Đen trở thành điểm du lịch hấp dẫn với du khách. Trong năm qua, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid-19, tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động du lịch như: hỗ trợ giảm giá điện đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, giảm 50% chi phí thủ tục hành chính cấp giấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, giảm 50% chi phí thủ tục hành chính cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

Sang năm 2021, lượng khách đến tham quan địa danh này cũng tăng đều khi giá vé dịch vụ cáp treo lên đỉnh núi chùa Bà được giảm đến 100.000 đồng/vé: từ 250.000 đồng/vé còn 150.000 đồng/vé khứ hồi; trẻ từ 1-1,4m từ 150.000 đồng/vé còn 100.000 đồng/vé khứ hồi và trẻ em dưới 1m hoàn toàn miễn phí. Ông Phạm Văn Hải, Phó Trưởng Ban quản lý KDL quốc gia núi Bà Đen cho biết, chương trình giảm giá vé nhằm tri ân du khách nhân dịp kỷ niệm 1 năm hệ thống cáp treo lên đỉnh núi chùa Bà đi vào hoạt động.

Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, với những tiềm năng và lợi thế gắn liền với biển, lại đa dạng các loại hình giao thông kết nối, hàng năm, Bà Rịa - Vũng Tàu đón khoảng 14-15 triệu lượt khách với doanh thu từ 14.000-16.000 tỷ đồng. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành du lịch tỉnh nhà đón khoảng 10,8 triệu lượt khách, giảm hơn 30%, trong đó khách lưu trú đạt hơn 2,6 triệu lượt, giảm gần 28% so với 2019. Riêng khách quốc tế chỉ đón gần 180.000 lượt, giảm gần 65% và doanh thu từ các cơ sở lưu trú chỉ dừng ở mức hơn 4.121 tỷ đồng, giảm hơn 23% so với 2019. Mặc dù lượng khách và doanh thu giảm, nhưng tỉnh vẫn nằm trong nhóm các tỉnh thành có mức suy giảm ít nhất cả nước.

Kết quả đó có được là nhờ các doanh nghiệp đã đồng loạt hưởng ứng giảm giá tạo thành gói kích cầu chung (giá dịch vụ giảm 10%-30%) với du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng. Riêng tháng 7-2020, chương trình đã có hơn 90 doanh nghiệp tham gia, góp phần thu hút 1,73 triệu lượt khách, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng bộ phận kinh doanh khách sạn 4 sao Malibu với gần 200 phòng nghỉ cao cấp chia sẻ, gần đây, du lịch của Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều chuyển biến tích cực, dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng doanh thu của đơn vị vẫn đạt mức khá, nhất là ở phân khúc du lịch hội nghị, hội thảo, doanh thu của đơn vị này dịp cuối năm cao hơn cả năm trước đó.

Liên kết tour, tuyến du lịch

Năm 2021, Tây Ninh xác định tiếp tục phát triển du lịch thành một ngành kinh tế quan trọng, tiến tới là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với các giải pháp: đẩy mạnh thu hút đầu tư khai thác du lịch, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại với các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, sức cạnh tranh cao và phát triển TP Tây Ninh thành đô thị du lịch, sinh thái và là trung tâm vui chơi, giải trí, mua sắm cho khách du lịch.

Với phố biển Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh cũng xác định tập trung phát triển 8 loại hình du lịch chính gồm: du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch nghỉ dưỡng biển; du lịch gắn với chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe; du lịch gắn liền với dịch vụ vui chơi giải trí; du lịch gắn với hoạt động thể dục thể thao; du lịch gắn với văn hóa lịch sử; du lịch sinh thái; du lịch gắn với cộng đồng. Tiếp tục thực hiện chương trình ký kết liên kết phát triển du lịch 6 tỉnh vùng Đông Nam bộ - tỉnh Bình Thuận phối hợp xây dựng các tour, tuyến liên kết để cùng nhau vực dậy ngành du lịch và hướng đến phát triển bền vững. Ông Hoàng Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, năm qua du lịch gặp nhiều khó khăn, các đơn vị đang có nhiều biện pháp cân đối tài chính, nhân sự để thích nghi nhanh với tình hình mới, đầu tư thêm sản phẩm du lịch để khách trải nghiệm.

Với tỉnh Bình Phước, bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, năm 2021 tỉnh tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; kêu gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng về du lịch, trong đó có đầu tư xây dựng dịch vụ phụ trợ tại một số điểm du lịch (Tà Thiết, Bom Bo, trảng cỏ Bù Lạch, xúc tiến đầu tư xây dựng Khu văn hóa cứu sinh Bà Rá); gặp mặt, kết nối các nhà đầu tư về du lịch như Saigontourist, Vietravel, Sungroup, FLC, Vingroup, Công ty CP Đại Nam, Công ty TNHH Mỹ Lệ. Bên cạnh chú trọng quảng bá hình ảnh du lịch Bình Phước trên các phương tiện thông tin đại chúng; mạng xã hội Zalo, Facebook, tỉnh cũng tăng cường liên kết hợp tác phát triển du lịch; xây dựng Đề án liên kết tour, tuyến du lịch với các tỉnh thành vùng Đông Nam bộ và Đề án xúc tiến du lịch, xây dựng chương trình kích cầu, làm mới sản phẩm, dịch vụ mang tính tương trợ nhau; gặp mặt, tọa đàm, tháo gỡ nút thắt du lịch Bình Phước và các tỉnh trong vùng.

Các tỉnh cũng đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ thuế, vay vốn, giảm giá điện, giãn nợ BHXH và hỗ trợ lao động ngành du lịch được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2021.

Tin cùng chuyên mục