Du lịch bền vững đảo Phú Quý

Cách đất liền 56 hải lý, huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) được thiên nhiên ban tặng nhiều phong cảnh thơ mộng, hoang sơ. Trước đây, Phú Quý như một nàng công chúa ngủ quên. Thế rồi, đảo xa như gần lại khi những con tàu cao tốc xuất hiện, điện kéo về sáng rực cả vùng biển. 
Du khách trải nghiệm tour lặn ngắm san hô ở biển Phú Quý. Ảnh: L.C.
Du khách trải nghiệm tour lặn ngắm san hô ở biển Phú Quý. Ảnh: L.C.

Những ngày cận Tết Tân Sửu 2021, mặc cho những cơn sóng lớn cứ chồm lên, con tàu cao tốc hiện đại chỉ cần khoảng 3 giờ để đưa hàng chục du khách từ đất liền ra tới huyện đảo Phú Quý. Lên tới đảo, tôi mướn một xe máy giá 100.000 đồng/ngày, chạy tới tìm ông Dương Văn Vĩ, người đầu tiên làm du lịch tại huyện đảo, nay đang kiêm nhiệm chức Chi hội trưởng Chi hội Du lịch đảo Phú Quý.

Ông Vĩ bắt đầu có ý tưởng làm du lịch từ năm 2008. Khi ấy, người dân muốn ra đảo phải đi bằng tàu hàng, mất 7-8 giờ mới tới nơi. Nhưng từ khi những con tàu cao tốc hiện đại xuất hiện; điện được cấp đầy đủ thì nhiều khách du lịch đến Phú Quý. Thấy vậy, người dân đua nhau làm du lịch, hạ tầng xây dựng không kịp so với tốc độ phát triển du lịch ở địa phương”, ông Vĩ chia sẻ.

Lúc này, những ngư dân vốn cả đời chỉ quanh quẩn với nghề đánh bắt cá, lênh đênh trên biển bắt đầu tập làm du lịch. Họ thấy khách thích hòa mình vào thiên nhiên nên xin chính quyền địa phương xây những nhà hàng nổi, vừa nuôi trồng thủy sản vừa kinh doanh đặc sản phục vụ du khách. Người khác lại mở cửa hàng cho thuê xe máy, xây khách sạn, quán ăn… phục vụ khách phương xa. Ngư dân tự học, trau dồi kiến thức hàng ngày để trở thành đầu bếp, hướng dẫn viên, tiếp tân lúc nào không hay.

Nhiều thanh niên ở huyện đảo, sau khi học tập nâng cao trình độ, trở về quê hương, đưa nhiều mô hình du lịch mới mẻ về phục vụ du khách, phát triển kinh tế. Trong đó phải kể đến anh Trần Thanh Minh, người được xem là tiên phong tạo ra các tour trên đảo. Lúc đầu anh Minh chỉ là đầu mối kết nối với những phượt thủ ở TPHCM. Sau đó thấy nhu cầu của khách lớn nên nhiều bạn trẻ liên kết tạo tour khám phá đảo Phú Quý đầu tiên.

Không chỉ vậy, Nguyễn Văn Giỏi, Nguyễn Văn Lĩnh, Nguyễn Trọng Tấn… sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng trở về, đã mạnh dạn đưa mô hình homestay, du lịch sinh thái lặn ngắm san hô, câu cá ngoài biển, khám phá nét văn hóa bản địa… thành sản phẩm du lịch cho đảo. 

Ông Ngô Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, cho biết, mặc dù phát triển khá nhanh, nhưng ngay từ đầu, chính quyền địa phương và những người làm du lịch nơi đây đã kiên định tập trung phát triển Phú Quý thành điểm đến của du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch bền vững nhằm hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường sinh thái.

Minh chứng cho điều này, rất nhiều mô hình du lịch đáp ứng các tiêu chí trên đã ra đời như: tham quan hệ sinh thái biển (lặn ngắm san hô, tham quan đảo lẻ...); tham quan di tích lịch sử, tôn giáo nổi tiếng (đền thờ Công chúa Bàn Tranh, Vạn An Thạnh, núi Cao Cát...); tham quan làng nghề truyền thống, thưởng thức hải sản và khám phá văn hóa đặc trưng. “Dù các mô hình du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, nhưng tất cả đều hạn chế tối đa việc tác động đến môi trường tại chỗ, gìn giữ hệ sinh thái với sự tham gia tích cực của cộng đồng, hướng tới nền du lịch xanh và bền vững tại đảo Phú Quý”, ông Ngô Tấn Lực cho hay.

Tin cùng chuyên mục