Du lịch Bến Tre đón làn gió mới hậu Covid-19

Sau các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, trong tháng 11, ngành du lịch Bến Tre đã có những bước khởi đầu hơn mong đợi khi quyết định mở cửa đón khách du lịch. Sự kiện này cho thấy sự nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp không khói của tỉnh, cụ thể hóa hội nghị liên kết du lịch giữa 2 địa phương TPHCM và Bến Tre trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Du khách trải nghiệm du lịch vùng xanh tại xứ dừa Bến Tre
Du khách trải nghiệm du lịch vùng xanh tại xứ dừa Bến Tre

Trải nghiệm mới sau dịch Covid-19

Sau những nỗ lực phòng chống dịch, thực hiện các Chỉ thị 16, 15, 15+ nhằm kéo giảm ca mắc Covid-19, đưa hoạt động của tỉnh về trạng thái bình thường mới; Bến Tre xác định phục hồi lại ngành du lịch sau nhiều tháng ròng “đóng băng” do dịch Covid-19. Bắt đầu đón làn gió mới cho ngành du lịch tỉnh nhà, Bến Tre chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, phối hợp với TPHCM tổ chức hội nghị liên kết du lịch giữa 2 địa phương trong điều kiện thích ứng an toàn với Covid-19.

Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp lữ hành, Bến Tre là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng như: du lịch sông nước miệt vườn; du lịch về nguồn gắn với văn hóa - lịch sử; du lịch gắn với làng nghề truyền thống, làng hoa kiểng, trái cây Chợ Lách; du lịch biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú; sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực xứ dừa… rất phù hợp với thị trường khách du lịch của TPHCM. Cụ thể hóa hội nghị liên kết du lịch giữa TPHCM với Bến Tre, ngày 14-11 vừa qua, Bến Tre đón đoàn 40 khách du lịch TPHCM đầu tiên sau dịch, nằm trong chương trình du lịch “Vùng xanh xứ dừa”. Tour du lịch đưa du khách TPHCM trải nghiệm, tham quan Khu lưu niệm bà Nguyễn Thị Định, Khu di tích đặc biệt quốc gia Nguyễn Đình Chiểu, nhà yêu nước, nhà thơ lớn của dân tộc. Bên cạnh đó, du khách còn trải nghiệm trong khu vườn sinh thái cùng các hoạt động làm vườn, hái rau, học nấu ăn… đặc biệt là đi thuyền ngắm hoàng hôn trên sông Hàm Luông, tham quan TP Bến Tre về đêm, thưởng thức món ăn dân dã, tham quan, mua sắm đặc sản kẹo dừa tại nơi sản xuất… Chị Mai Hoa (đoàn khách du lịch TPHCM) chia sẻ: “Mỗi lần đến Bến Tre tôi đều có những trải nghiệm khác nhau, đặc biệt sau khi Bến Tre xác định là du lịch xanh, các tour tuyến lần này cũng được tổ chức chu đáo, an toàn nên tôi có tâm lý thoải mái, an tâm khi chọn Bến Tre là điểm đến sau thời gian dài giãn cách xã hội. Tôi mong tỉnh sẽ có thêm nhiều vùng xanh để du khách đến với Bến Tre nhiều hơn”.

Anh Nguyễn Công Khanh (khách du lịch ở quận 1, TPHCM) cảm nhận: “Mỗi lần về Bến Tre cho tôi một cảm giác hoàn toàn mới mẻ, đặc biệt là có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch đặc trưng. Ấn tượng nhất là các điểm du lịch đã có kết nối ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng thế mạnh du lịch sinh thái sẵn có để phát triển. Thời điểm dịch bệnh, để đi du lịch thì bản thân đảm bảo đã tiêm đủ 2 liều vaccine, tour du lịch được tổ chức khép kín, đảm bảo an toàn nên tôi rất an tâm khi tham quan trải nghiệm thời điểm này”.

Thận trọng, an toàn

Theo ông Võ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch, Sở VH-TT-DL tỉnh Bến Tre cho biết, chủ trương của Bến Tre là đón du khách đến theo tour khép kín để có cơ sở dữ liệu giúp truy vết, phòng chống dịch, qua đó góp phần phát triển ngành du lịch. Trung tâm đang kiểm định lại cơ sở đăng ký hoạt động theo các tiêu chí an toàn, bởi hiện có hơn 50/160 doanh nghiệp đăng ký hoạt động du lịch trở lại. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát năm 2019, Bến Tre là địa phương đón khách quốc tế đứng thứ hai, chiếm đến 40% lượng khách quốc tế và 11% khách du lịch nội địa của cụm Đông khu vực ĐBSCL. Hiện tại, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, Bến Tre là điểm đến thích hợp với những tour du lịch an toàn, hấp dẫn, phù hợp để các doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM khai thác, bởi điều kiện tự nhiên thuận lợi và khoảng cách đến Bến Tre không xa.

Theo ông Sơn, cũng trong tháng 11, Bến Tre khởi động du lịch “Vùng xanh xứ dừa” với những hoạt động trải nghiệm mới, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, kích cầu phát triển du lịch. Các hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi, an toàn, thân thiện cho du khách khi đến địa bàn tỉnh, đảm bảo nguyên tắc “An toàn để hoạt động, hoạt động phải an toàn”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, tỉnh đã chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch phối hợp các ngành liên quan có giải pháp đảm bảo sự đồng bộ và có tiêu chuẩn, nội quy trong quá trình tổ chức, đưa đón du khách trên địa bàn tỉnh. Các tiêu chuẩn quy định rõ ràng trên tinh thần bảo đảm an toàn và tạo sự thuận lợi cần thiết cho du khách.

Thời gian tới, ngành du lịch của tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý nhà nước về du lịch và công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Việc đổi mới sáng tạo, đột phá trong hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm tạo sự lan tỏa sâu rộng về giá trị văn hóa, hình ảnh, thương hiệu du lịch xứ dừa Bến Tre đến du khách trong và ngoài nước. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, đặc biệt là phối hợp triển khai đạt kết quả thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020-2025, cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía Đông ĐBSCL. Mở rộng liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trên cả nước và khu vực để mở rộng tour tuyến, tạo sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách trong và ngoài nước.

Huyện Ba Tri sẽ thành trung tâm kinh tế - văn hóa biển

Đại hội Đảng bộ huyện Ba Tri lần thứ XII xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 xây dựng huyện Ba Tri trở thành “Trung tâm kinh tế, văn hóa biển”. Đồng thời, kết nối với các huyện Thạnh Phú, Bình Đại và liên thông với tỉnh nhằm tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển.

Cụ thể hóa mục tiêu trên, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện; thực hiện đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn mới; khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển để phát triển du lịch gắn với chăm lo xây dựng văn hóa, con người Ba Tri đáp ứng yêu cầu mới, đồng thời bảo vệ tài nguyên, môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Định hướng đến năm 2025, phấn đấu xây dựng thành công thị xã Ba Tri; đưa Ba Tri trở thành địa phương dẫn đầu về kinh tế biển của tỉnh vào năm 2030. Để làm được điều đó, huyện xác định một số công trình, dự án trọng điểm cần triển khai như như: dự án điện gió V13-I, cảng cá, khu đô thị biển xã An Thủy; xây dựng điểm du lịch tâm linh, khu resort ven biển, cụm du lịch ven biển xã Bảo Thuận; cụm công nghiệp và khu dân cư xã Tân Xuân; cụm công nghiệp xã An Hòa Tây; các khu dân cư mới của thị trấn Ba Tri; cụm du lịch sinh thái cộng đồng cù lao Đất, xã An Hiệp…

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Ba Tri nằm giữa sông Ba Lai và sông Hàm Luông, ở cuối dải cù lao Bảo, với diện tích tự nhiên khoảng 354,8km², dân số hơn 200.000 người. Huyện có 1 thị trấn và 22 xã, trong đó có 4 xã ven biển là An Thủy, Bảo Thạnh, Tân Thủy, Bảo Thuận với tổng chiều dài bờ biển gần 13km. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện đạt 11,86%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 52,1 triệu đồng/người/năm. Hạ tầng giao thông được cải tạo, nâng cấp đầu tư đồng bộ, đảm bảo an toàn, thông suốt trên các tuyến giao thông, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy đạt hơn 62%, thương mại dịch vụ phát triển nhanh.

Xây dựng đề án Làng Dừa huyện Mỏ Cày Nam

UBND huyện Mỏ Cày Nam xúc tiến các thủ tục, hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền thông qua phương án đề xuất đầu tư xây dựng Đề án Làng Dừa huyện Mỏ Cày Nam. Đề án triển khai trên địa bàn 2 huyện gồm: Mỏ Cày Nam và một phần Mỏ Cày Bắc. Đề án lấy những yếu tố đặc sắc, nổi trội về dừa, kể cả tổng quan kết nối du lịch.

Nếu được thông qua, đề án sẽ là cơ sở quan trọng để thu hút các dự án đầu tư của 2 huyện, góp phần đưa khu vực này trở thành trung tâm dừa của tỉnh, giữ gìn tinh hoa nghề dừa kết hợp phát triển du lịch, thương mại và đô thị; tạo thành khu vực sản xuất và trao đổi hàng hóa tập trung đạt các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh sản phẩm dừa Bến Tre với du khách trong nước và quốc tế.

PHAN HUY

Tin cùng chuyên mục