Du lịch Bắc miền Trung hồi sinh

Sau sự cố môi trường biển, với phương châm không thể ngồi chờ mà phải tìm cách kéo du khách quay lại, ngành du lịch các tỉnh Bắc miền Trung đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, tạo ra một luồng sinh khí mới...
Du khách quốc tế tham quan Đại nội Huế
Du khách quốc tế tham quan Đại nội Huế
Những tháng cuối năm 2017, tiết trời miền Trung thường xuyên mưa rét. Cùng thời điểm này năm trước, hầu hết các địa điểm du lịch ở 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) đìu hiu không một bóng khách, thì năm nay đã vui nhộn trở lại. Đây thực sự là tín hiệu vui cho thấy các tỉnh đã vượt qua khó khăn, thử thách kể từ sau sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4-2016.
Các di tích Huế những ngày cuối năm có rất đông du khách. Trong không khí rộn ràng chào đón năm mới, không ít khách du lịch quốc tế chọn Huế là nơi chào đón những giây phút đầu tiên của năm 2018. Ông bà André Leclair và Sypvie Dugas (Canada) cho biết: “Chúng tôi rất ấn tượng với Huế. Huế có rất nhiều nơi để tham quan, có viện bảo tàng, có di tích lịch sử và nhiều cảnh đẹp... Các khách sạn cũng có nhiều hoạt động dành cho du khách trong dịp năm mới. Nếu có cơ hội, chúng tôi muốn quay lại nơi đây”. Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đêm giao thừa đón năm mới 2018, hầu hết các khách sạn, nhà hàng, quán bar tại trung tâm TP Huế đều diễn ra nhiều chương trình dạ nhạc tiệc, vui chơi hấp dẫn phục vụ du khách. 
Trong khi đó, các điểm du lịch hang động ở Quảng Bình và các di tích lịch sử cách mạng ở Quảng Trị cũng rất đông khách. Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, cho biết, du lịch Quảng Bình có mức hồi phục ngoạn mục là do ngoài điều kiện tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, hùng vĩ và nhất là hệ thống hang động thì nơi đây được quảng bá hết công suất trên các trang mạng du lịch tầm cỡ quốc tế, phim ảnh bom tấn, mạng xã hội như Facebook, YouTube, Google… Các tờ báo hàng đầu thế giới đều bình chọn Quảng Bình, Sơn Đoòng là “Điểm cần đến một lần trong đời” khiến du khách trở lại tấp nập. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết du lịch được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú theo từng phân khúc thị trường, mang lại những kết quả thiết thực, như triển khai chương trình quảng bá du lịch và mở đường bay Quảng Bình - Chiang Mai, Đồng Hới - Cát Bi; tổ chức thành công đêm thi trang phục dân tộc Hoa hậu Hòa bình thế giới; thực hiện công tác quảng bá trên trang điện tử du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor... Tỉnh cũng chú trọng triển khai các tuyến du lịch mới như khám phá hang Đại Ả, Over, Pygmy… Ngoài ra, nhiều cơ sở lưu trú mới khai trương đã đáp ứng nhu cầu của khách du lịch với chất lượng phục vụ từng bước được nâng lên, khẳng định thương hiệu du lịch Quảng Bình. 
Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh vừa tổ chức đưa đoàn Famtrip CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội và TPHCM đi khảo sát thực tế các tuyến điểm du lịch tại Thừa Thiên - Huế như: Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân, Vườn quốc gia Bạch Mã, Lăng Cô - Đảo Ngọc và xem biểu diễn áo dài và thưởng thức ẩm thực Huế, du lịch sinh thái cộng đồng tại Thủy Biều - phá Tam Giang… Qua đó góp phần xúc tiến, quảng bá điểm đến Thừa Thiên - Huế, nhằm kết nối xây dựng sản phẩm du lịch giữa Thừa Thiên - Huế và Hà Nội, TPHCM. Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, cho hay, hiện nay với hơn 10.000 phòng của các cơ sở lưu trú và gần 90 đơn vị lữ hành trong toàn tỉnh, hầu hết các khách sạn đều đã có website và tích cực quảng bá trên mạng xã hội. Ngoài ra, một số đơn vị đã thuê công ty tư vấn riêng để hoạch định chiến lược, triển khai quảng bá trên mạng. Sở đang xây dựng trang website đa ngôn ngữ để phục vụ du lịch trong thời gian tới. 
Tại TP Đông Hà, ngành du lịch 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế vừa ký biên bản hợp tác phát triển du lịch năm 2018 nhằm phát huy tốt tiềm năng và lợi thế của từng địa phương; khai thác và chia sẻ các nguồn lực, tạo động lực cho du lịch 3 tỉnh cùng phát triển bền vững. Theo đó, 3 tỉnh cùng nhau xây dựng cơ chế quản lý nhà nước về du lịch quảng bá, xúc tiến hợp tác về quy hoạch, kêu gọi đầu tư, phát triển sản phẩm, hợp tác về phát triển nhân lực du lịch, xây dựng cơ chế quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng du lịch 3 tỉnh khu vực Bình - Trị - Thiên thành điểm đến có thương hiệu mạnh của khu vực và cả nước, đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của các địa phương. Ngành du lịch 3 tỉnh này tiếp tục khuyến khích, hướng dẫn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm đặc trưng chung của khu vực Bình - Trị - Thiên theo các chủ đề: “Con đường di sản miền Trung”, “Hoài niệm về chiến trường xưa”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường sinh thái, văn hóa, tâm linh Bắc miền Trung gắn với du lịch có trách nhiệm và bền vững".

Tin cùng chuyên mục