Dự kiến, khoảng 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam trong quý 3

Tính đến ngày 29-6, cả nước đã có hơn 3,61 triệu liều vaccine được tiêm, trong đó có gần 200.000 người được tiêm đủ 2 liều.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VIẾT CHUNG

Ngày 1-7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6-2021 để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021.

Tại phiên họp này, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm; các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn liên quan tới công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu nhấn mạnh, tới thời điểm này, chúng ta vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra, nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch, có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; có nơi, có lúc phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này. Đơn cử như Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian vừa qua đã ưu tiên cho nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, còn hiện nay đang ưu tiên cho nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Một số địa phương như Hà Nội cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai nhiệm vụ, mục tiêu. TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ đang phải tập trung cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Hoặc ngay trong một địa phương như TPHCM, có những quận, huyện tập trung phòng chống dịch, nhưng những quận, huyện khác tình hình dịch bệnh không căng thẳng, phải tập trung phát triển kinh tế.

Thủ tướng cũng nhắc tới việc kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chính phủ sẽ phân tích kỹ, làm rõ thêm về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, tập trung vào phòng chống dịch bệnh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn; hoạt động xuất nhập khẩu; phát triển công nghiệp và xây dựng; phát triển nông nghiệp; phát triển các ngành dịch vụ (như đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử); thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, huy động nguồn vốn xã hội; bảo đảm lao động, việc làm, an sinh xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới, cải cách, hoàn thiện thể chế...

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu rõ những kết quả chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Các cân đối lớn được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020… Những kết quả bước đầu trong thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm an ninh quốc phòng và đẩy mạnh đối ngoại thời gian qua đã giúp tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ KH-ĐT báo cáo Chính phủ đã xây dựng 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. Kịch bản 1: để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý 3 cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý 4 tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm). Kịch bản 2: để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý 3 phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý 4 tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).

Khoảng 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam trong quý 3

Về vấn đề vaccine phòng Covid-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dự kiến từ quý 3-2021, số lượng vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam tương đối lớn (khoảng 30 triệu liều trong quý 3). Các bộ, cơ quan đang tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện chiến dịch tiêm chủng trên quy mô toàn quốc, phấn đấu đạt 70-75% người dân được tiêm vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Tính đến ngày 29-6, cả nước đã có hơn 3,61 triệu liều vaccine được tiêm, trong đó có gần 200.000 người được tiêm đủ 2 liều.

Tin cùng chuyên mục