Dự kiến đầu tháng 1-2021 sẽ xét xử vụ án ông Vũ Huy Hoàng

Tại hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính đã nói về việc xét xử các vụ án tham nhũng đặc biệt lớn thời gian qua; từ việc các bị cáo quanh co chối tội, tới việc tâm phục, khẩu phục.

Theo ông Chính, thời gian qua, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đặc biệt là từ năm 2013 đến nay đã giải quyết được 60 vụ/522 bị cáo thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội theo dõi.

Các bị cáo tâm phục, khẩu phục

Các vụ án đều được khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương. Phán quyết của tòa án được lập luận chặt chẽ, hình phạt áp dụng nghiêm khắc đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng, giảm nhẹ đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bồi thường thiệt hại và khắc phục số tiền chiếm hưởng.

Dự kiến đầu tháng 1-2021 sẽ xét xử vụ án ông Vũ Huy Hoàng ảnh 1 Ông Nguyễn Hữu Chính chia sẻ thông tin tại hội nghị. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Trong vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm bị truy tố về các tội “Kinh doanh trái phép; Trốn thuế; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, sau hơn 10 ngày xét xử, HĐXX đã xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù giam. Điểm đặc biệt nổi bật của phiên tòa này, mặc dù mức án HĐXX áp dụng rất nghiêm khắc, nhưng qua quá trình tranh tụng công khai, dân chủ, khách quan tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đều đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, các luật sư và các bị cáo đều đồng tình với phán quyết của tòa án.

Dẫn chứng thêm về vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm bị truy tố về các tội “Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính cho rằng, nét nổi bật trong quá trình xét xử vụ án này là phán quyết của tòa án đã cá thể mạnh mẽ hình phạt của từng bị cáo, nghiêm khắc đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu nhưng cũng rất nhân văn đối với các bị cáo ăn năn hối cải, vị trí vai trò thứ yếu. HĐXX đã xử phạt tử hình đối với Nguyễn Xuân Sơn, tù chung thân đối với Hà Văn Thắm, áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo và cải tạo không giam giữ đối với 35 bị cáo trên tổng số 51 bị cáo bị truy tố.

Trong 2 vụ án trên, thông qua kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, HĐXX đã chủ động kiến nghị cơ quan điều tra 8 nội dung liên quan đến một số vấn đề trong công tác quản lý nhà nước, chính sách quản lý kinh tế và kiến nghị làm rõ những hành vi có dấu hiệu vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật.

Qua xét xử, thu hồi nhiều tài sản cho nhà nước

Điểm nhấn là vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại PVN và PVC.

Ông Nguyễn Hữu Chính khẳng định, đây cũng là vụ án được dư luận trong nước cũng như quốc tế rất quan tâm theo dõi, qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, các bị cáo đều ăn năn, hối cải, hối hận về hành vi phạm tội của mình, tất cả 22 bị cáo trong vụ án này đều bày tỏ sự cảm ơn HĐXX và cho rằng phiên tòa diễn ra một cách dân chủ, công khai, khách quan, công tâm; bị cáo Đinh La Thăng đã phát biểu rằng phiên tòa được tiến hành đổi mới theo đúng tinh thần cải cách Tư pháp của Đảng, Nhà nước và công khai xin lỗi Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư và xin mức hình phạt nhẹ nhất.

Trong “đại án” Tổng Công ty Viễn thông MobiFone mua cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu – AVG. Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, số tiền các bị cáo gây thiệt hại của nhà nước là đặc biệt lớn. Trước khi tiến hành xét xử, các bị cáo mới chỉ khắc phục một phần số tiền thiệt hại cho nhà nước; tuy nhiên qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, các bị cáo đã động viên người nhà khắc phục toàn bộ số tiền các bị cáo chiếm hưởng trong vụ án này là hơn 6 triệu USD.

“Có thể nói, đây là vụ án tham nhũng đầu tiên ở nước ta thu hồi được toàn bộ số tiền nhà nước bị thiệt hại và số tiền chiếm hưởng của các bị cáo với giá trị lên tới hơn 6.600 tỷ đồng. Đây cũng là phiên tòa điển hình của việc điều hành khéo léo của HĐXX làm thay đổi diễn biến tâm lý của các bị cáo từ việc chối tội sang thừa nhận hành vi phạm tội và tự nguyện khắc phục hậu quả”, ông Chính nói.

Thời gian qua, dư luận cũng quan tâm tới vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại vùng nông thôn (thôn Hoành, xã Đồng Tâm, TP Hà Nội).

Theo ông Chính, đây là vụ án hình sự mà hành vi phạm tội của các bị cáo diễn ra trong thời gian dài từ năm 2013 đến nay, liên quan đến tình hình an ninh nông thôn. Thông qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa, các bị cáo đã chuyển từ thái độ chống đối, đối đầu sang tâm phục, khẩu phục, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi phạm tội, đề nghị các luật sư không cần bào chữa thêm và gửi lời xin lỗi đến gia đình các bị hại.

“Đặc biệt, qua quá trình tranh tụng, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị thay đổi tội danh đối với 19 bị cáo từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ”; Mức án mà HĐXX áp dụng đối với các bị cáo vừa nghiêm khắc nhưng cũng đậm chất nhân văn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn an ninh thông thôn ở Thủ đô hiện nay”, ông Chính đánh giá.

Những khó khăn mà Tòa án nhân dân TP Hà Nội trong quá trình giải quyết vụ án thường là thời gian nghiên cứu hồ sơ quá ngắn; hầu hết các vụ án đều có tính phức tạp, đông bị cáo, các bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn, thủ đoạn phạm tội tinh vi, hành vi phạm tội diễn ra trên nhiều địa phương, thời gian phạm tội kéo dài, nên việc thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, diện truy tố.

Ông Chính cũng khẳng định, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục được Trung ương và Thành phố tin tưởng giao nhiệm vụ xét xử một số vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm như: vụ án Vũ Huy Hoàng và đồng phạm bị truy tố về tội "Vi phạm quy định quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" xảy ra tại Bộ Công thương và Sabeco đã được Tòa án nhân dân TP Hà Nội thụ lý và dự kiến đầu tháng 1-2021 sẽ đưa ra xét xử công khai; vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Ethanol Phú Thọ dự kiến xét xử trước Tết Nguyên đán 2021.

Tin cùng chuyên mục