Dự kiến 31-12, tổ chức lễ công bố Nghị quyết về thành lập TP Thủ Đức

Sáng 19-12, Bộ Nội vụ và UBND TPHCM tổ chức phiên họp ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. 

Tham dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Lê Hòa Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thông tin, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị tại nghị quyết được thực hiện từ ngày 1-7-2021. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. 

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành và TPHCM tổ chức góp ý, hoàn thiện dự thảo nghị định trong thời gian ngắn nhất để trình Chính phủ xem xét trong phiên họp cuối tháng 12-2020.

Dự thảo nghị định với 7 chương, 44 điều, quy định cụ thể các nội dung về tổ chức, hoạt động của UBND quận, phường; chế độ trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức làm việc tại UBND quận, phường; dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước khi quận, phường không còn tổ chức HĐND…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng cho hay, bên cạnh Đề án về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM được Quốc hội thông qua, TPHCM cũng xây dựng Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Đây là mô hình mới trong tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Do đó, đồng chí mong muốn các thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập, sở, ngành góp ý những vấn đề cốt lõi, vấn đề mới, tạo điều kiện thực hiện tốt Nghị quyết 131 làm cơ sở cho TP phát triển, thực hiện tốt chính quyền đô thị.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 3 nghị quyết đối với TPHCM, gồm: Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 54); về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM (Nghị quyết 131); về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM (Nghị quyết 1111). Đây là sự ghi nhận, tin tưởng và động viên rất lớn của Quốc hội dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. 

Dự kiến 31-12, tổ chức lễ công bố Nghị quyết về thành lập TP Thủ Đức ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Qua nghiên cứu dự thảo Nghị định hướng dẫn Nghị quyết 131, TPHCM đề xuất bổ sung 1 chương trong dự thảo nghị định. Chương này nhằm quy định cụ thể các vấn đề là cơ sở, nền tảng cho việc thành lập TP Thủ Đức - về cơ cấu tổ chức bộ máy, vấn đề ngân sách - sao cho phù hợp với Nghị quyết 1111. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, đây cũng là cơ sở để TPHCM chuẩn bị tốt nhất cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sắp tới.

Liên quan đến TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin, dự kiến ngày 31-12, TPHCM sẽ tổ chức lễ công bố Nghị quyết 1111 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức. TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận (2, 9, Thủ Đức).

TPHCM cũng đề xuất Trung ương quan tâm, xem xét thêm về số lượng Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức có không quá 4 người. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn thuộc TP Thủ Đức có không quá 13 phòng, gồm 10 phòng theo Nghị định 108/2020/NĐ-CP và 3 cơ quan khác. Số lượng phó trưởng phòng bình quân là 3 người/phòng. Đồng chí Nguyễn Thành Phong phân tích, TP Thủ Đức là trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ cao, do đó cần thiết thành lập Phòng Khoa học - Công nghệ. 

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị dự thảo nghị định có thêm các quy định liên quan đến phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho TPHCM. Điều này giúp TPHCM có cơ sở tốt nhất cho việc tổ chức chính quyền đô thị; đảm bảo đủ năng lực, chủ động, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của TPHCM, cũng là tạo điều kiện để TPHCM đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của cả nước.

* Sáng 19-12, Bộ Tư lệnh TPHCM tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác quốc phòng, quân sự địa phương năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021. 

Đến dự có các đồng chí: Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy TPHCM; Ngô Minh Châu, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu biểu dương những kết quả Bộ Tư lệnh TP đã đạt được trong năm 2020. Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ trong năm 2021, đồng chí Ngô Minh Châu đề nghị Bộ Tư lệnh TP tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương năm 2021.

Cùng với đó, tập trung thực hiện hiệu quả đề án “Xây dựng khu vực phòng thủ TP”; phối hợp với các cơ quan của bộ, sở, ngành, đơn vị trên địa bàn TP đảm bảo an toàn mọi mặt trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Cũng theo đồng chí Ngô Minh Châu, Bộ Tư lệnh TP cần chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên bảo đảm số lượng, chất lượng; thực hiện tốt công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2021. Đề cập đến việc thành lập thành phố Thủ Đức, đồng chí Ngô Minh Châu đề nghị Bộ Tư lệnh TP chủ động chuẩn bị những nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh tại thành phố vệ tinh của TPHCM.

Trong năm 2020, Đảng ủy Bộ Tư lệnh TP đã tham mưu hiệu quả giúp Thành ủy, UBND TPHCM lãnh đạo, quản lý, điều hành về mặt nhà nước đối với công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Bộ Tư lệnh TP cũng đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP tổ chức diễn tập phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả tốt; triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19…

Tin cùng chuyên mục