Du khách tàu biển chỉ “ghé” rồi đi

Doanh thu từ nguồn khách quốc tế đến Việt Nam theo tour du lịch tàu biển hiện chiếm khoảng 40% so với loại hình du lịch hàng không và đường bộ. Tuy nhiên, so với các thành phố khác trong khu vực, thời gian lưu lại và nguồn chi tiêu từ dòng khách này tại TPHCM còn rất thấp, vì nhiều lý do… 
Một gia đình du khách đi tàu biển đến tham quan TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Một gia đình du khách đi tàu biển đến tham quan TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Mất thời gian trung chuyển
Trong kế hoạch phát triển du lịch TPHCM năm 2018, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết sẽ tập trung khai thác hàng loạt sản phẩm du lịch có thế mạnh của TP, trong đó có du lịch đường sông. Sở Du lịch cũng rất quan tâm, tìm cách thu hút lượng du khách tàu biển ghé TPHCM tham quan, vui chơi, mua sắm... “Đón khách tàu biển là một trong những định hướng phát triển của ngành du lịch TPHCM đến năm 2020”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói. 
Tuy nhiên, để triển khai đón khách tàu biển đạt hiệu quả thì cần có sự chuẩn bị dài hơi, đầu tư kỹ lưỡng, đồng bộ. Câu chuyện cách nay vài tuần, 3.600 du khách và thủy thủ đoàn tàu biển cao cấp World Dream cập cảng Tân Cảng - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), được Saigontourist đưa đi tham quan TPHCM, sau đó ghé Cam Ranh (Khánh Hòa) và rời Việt Nam, là một ví dụ. Tính ra đoàn khách trên “siêu tàu” chỉ ghé Việt Nam tổng cộng 2 ngày, trong đó dành cho TPHCM chỉ khoảng nửa ngày.
Lý giải thực tế du khách tàu biển ghé TPHCM chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” là chính, một số doanh nghiệp du lịch chuyên đón khách tàu biển cho rằng khi cầu Phú Mỹ đi vào hoạt động, chỉ những tàu nhỏ (chở dưới 1.000 hành khách và thủy thủ đoàn) mới vào được trung tâm TP, bởi độ tĩnh không của cầu Phú Mỹ rất thấp. Các tàu lớn khoảng vài ngàn khách phải cập các cảng bên ngoài (như Hiệp Phước, Rau quả…), nhưng phần lớn các cảng của TPHCM chủ yếu đón tàu container, ít chỗ đậu, nên khách tàu biển đều phải cập cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đây, khách được chuyên chở bằng ô tô vào tham quan TPHCM. Do vậy sẽ mất thời gian trong hành trình tham quan, mua sắm của du khách. 
Phân tích về những khó khăn trong khai thác lĩnh vực giao thông thủy, cũng như đón khách từ các siêu tàu quốc tế, ông Trương Quang Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Viet Princess, cho rằng dù lợi thế du lịch đường thủy của TPHCM rất lớn, nhưng tình trạng thiếu bến đỗ, cảng biển đã khiến cho doanh nghiệp khó xoay trở. Cùng chung nhận định này, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Công ty Du lịch Viet Excursions, nói thêm rằng nếu vài ngàn khách tàu biển vào TP nghỉ qua đêm, sẽ đem lại nguồn thu đáng kể. Ngược lại, khi khách chỉ lớt phớt “ghé” rồi đi thì ngành du lịch cần xem lại. 
Đầu tư cảng, bến đỗ
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều công ty chuyên đón khách tàu biển cho biết, tổng lượng du khách và thuyền viên mà đơn vị đón năm sau cao hơn năm trước 20% - 30%. Theo ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist, trong năm 2017, Saigontourist đã phục vụ 210 lượt chuyến tàu cập cảng TPHCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Hạ Long (Quảng Ninh)…, với tổng cộng hơn 400.000 lượt du khách cùng thủy thủ đoàn đa quốc tịch, tăng hơn 30% so với năm 2016.
Ông Tài phân tích thêm, ngoài việc TPHCM thiếu cảng hành khách chuyên dụng thì các tiện ích đi kèm cần thiết cho khách cũng thiếu, ví dụ như cửa hàng miễn thuế, quầy đổi tiền, khu vui chơi, giải trí… Do vậy, cần được đầu tư nhiều hơn cho các tiện ích này, giúp du khách tàu biển có nhiều cơ hội tiêu tiền.
Tương tự, ông Phan Xuân Anh cho rằng hiện nay Việt Nam đã và đang đón liên tiếp các hãng tàu biển lớn, có hành trình theo mùa và định tuyến, nên có thể mở rộng miễn thị thực cho du khách, mở thêm các trung tâm vui chơi, mua sắm… nhằm kích cầu du lịch, đón các đối tượng du khách đặc thù, chuyên biệt, giàu có, từ các “siêu tàu” ghé Việt Nam. 
Làm thế nào để TPHCM thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, trong đó có khách tàu biển? Trả lời câu hỏi này, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch, phân tích xu hướng du lịch tàu biển tăng dần tới mức “siêu tàu”, chuyên chở số lượng hành khách rất lớn. Nhưng những con tàu này không thể ghé TPHCM do chưa có nhiều cảng hành khách chuyên dụng. Điều này có lỗi phối hợp giữa Bộ Giao thông Vận tải với các cơ quan chuyên trách, từng địa phương. Nếu gỡ được nút thắt về cảng hành khách chuyên dụng và mở thêm các tiện ích kèm theo phục vụ du khách, chắc chắn ngành du lịch tàu biển của TPHCM sẽ có sự phát triển đột phá.
Đánh giá về tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế du lịch trên thế giới đã chỉ ra rằng, nước ta nằm giữa tuyến đường nối hai trung tâm cảng biển hiện đại của khu vực châu Á (Singapore và Hồng Công - Trung Quốc), là điểm đến hấp dẫn của du lịch tàu biển quốc tế. Tuy nhiên, TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung, đã để vuột mất nhiều cơ hội.

Tin cùng chuyên mục