Đủ hàng hóa cho mùa tết an toàn, tiết kiệm

Hiện cả nước đang ở giai đoạn cao điểm chống dịch, vì thế việc cung ứng nhu yếu phẩm cũng như các mặt hàng chống dịch cho người dân luôn được nhà sản xuất, phân phối cam kết đáp ứng đầy đủ nhất, nhằm giúp người dân yên tâm đón tết an toàn, đầm ấm. 

Hàng hóa đảm bảo cung ứng 

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, với những ca nhiễm Covid-19 mới lây lan trong cộng đồng, từ nay đến Tết Tân Sửu 2021 cung cầu hàng hóa trên thị trường có thể biến động. Để bảo đảm cân đối nguồn hàng đối với các mặt hàng thiết yếu, mới đây Bộ Công thương đã chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành tổ chức đoàn làm việc tại một số tỉnh, thành phố như TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội… về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân dịp Tết Nguyên đán. 

Hàng hóa đầy ắp tại các kênh phân phối lớn ở TPHCM
Báo cáo sơ bộ của Bộ Công thương, đã có 55/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường (BOTT) dịp Tết Nguyên đán, trong đó 26 địa phương thực hiện chương trình BOTT.
Các địa phương cho biết, dù dịch bệnh ảnh hưởng tới kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và người dân có xu hướng giảm chi tiêu nhưng thị trường hàng hóa tết dự báo vẫn sôi động nên công tác dự trữ chuẩn bị nguồn hàng vẫn được DN nghiêm túc triển khai.
Đáng chú ý, một số địa phương khá linh hoạt trong phương thức thực hiện chương trình BOTT như: Mở rộng nhóm hàng hóa BOTT, thực hiện BOTT cả năm đối với một số hàng hóa thiết yếu là sữa học đường, hàng hóa phục vụ tết, mặt hàng vật tư nông nghiệp… 

Điển hình là TPHCM, báo cáo của Sở Công thương TPHCM tại buổi làm việc với UBND TPHCM và Bộ Công thương mới đây cho biết: Hàng hóa phục vụ tết trên địa bàn được chuẩn bị từ 3 nguồn chính gồm các DN thực hiện chương trình BOTT, chợ đầu mối và các nguồn khác.

Hàng hóa chuẩn bị tết ước đạt hơn 19.000 tỷ đồng (tăng khoảng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4-17% so với kế hoạch thành phố giao) tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như thịt gia cầm 7.488 tấn, thực phẩm chế biến 1.051 tấn, thịt gia súc 5.594 tấn…

Trong đó, lượng hàng hóa dành cho BOTT đạt khoảng 7.100 tỷ đồng và được bán tại 10.983 điểm bán bình ổn. Bên cạnh đó, Sở Công Thương TPHCM cũng có kế hoạch tăng cường thực hiện bán hàng lưu động, thực hiện 350 chuyến trong 2 tháng cao điểm trước tết, bổ sung kế hoạch thực hiện khi có đề nghị của các quận huyện hoặc khi có khan hiếm cục bộ. 

Cũng theo Sở Công thương TPHCM, ngoài cung ứng hàng hóa tại các điểm bán lẻ, các đơn vị trên địa bàn sẽ tập trung tăng cường thực hiện bán hàng lưu động tại các quận ven - huyện ngoại thành, KCX-KCN, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân… để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn tết.

Hàng hóa phân phối do các DN trong nước sản xuất, đảm bảo giá bình ổn và chất lượng tốt. Các chuyến bán hàng lưu động này ngoài việc giúp DN bán hàng hiệu quả còn giúp người dân tiếp cận hàng tiêu dùng chất lượng, giá tốt. 

Kênh phân phối sẵn sàng trong mọi tình huống

Theo Bộ Công thương, gần đây khi cả nước xuất hiện nhiều ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, để kịp thời triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ, các chuỗi siêu thị phân phối lớn trên cả nước đã có kế hoạch bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống. Các nhà phân phối còn khẳng định sẽ phối hợp với các địa phương điều phối, cung ứng liên tỉnh để kịp thời cung cấp hàng hóa cho các địa phương thiếu hàng.

Đã có kinh nghiệm ứng phó từ các lần dịch trước, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, mạng lưới gần 1.000 điểm bán ở khắp cả nước của Saigon Co.op đã kích hoạt các biện pháp phòng dịch, chuẩn bị phương án tập trung hậu cần để đảm bảo cung cấp hàng hóa tết đầy đủ trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đặc biệt, trong điều kiện người dân ở vùng dịch không thể đến siêu thị mua sắm thì Saigon Co.op đã có chương trình “Tết xa thêm gần”, giúp người dân có thể đặt hàng giao tận nhà.

“Ban Tổng giám đốc đã chỉ đạo các siêu thị, cửa hàng làm sao trong bán kính 1,5 km (tại TPHCM) và 3 km (tại các tỉnh, thành khác) các hộ gia đình đều có và nhớ số điện thoại của siêu thị, cửa hàng thuộc Saigon Co.op gần nhất để điện thoại mua hàng khi cần. Tổng đài điện thoại của các siêu thị, cửa hàng thuộc Saigon Co.op sẽ được duy trì hoạt động 24/24giờ để tiếp nhận, xử lý đơn hàng của khách. Ngoài ra, Saigon Co.op đã chuẩn bị phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ những khu vực không có dịch đến vùng dịch để phục vụ nhu cầu của người dân”, ông Đức cho biết thêm.

Theo báo cáo nhanh Bộ Công thương, tính đến ngày 29-1 các hệ thống phân phối lớn hiện có khoảng 3.000 điểm bán khẩu trang và nước rửa tay. Lượng hàng dự trữ đối với mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay đã được các nhà phân phối tăng lên.

Chẳng hạn Saigon Co.op dự trữ 30.000.000 khẩu trang vải và lượng nước rửa tay đủ bán trong 1 năm trên toàn hệ thống; Big C dự trữ 300% khẩu trang và nước rửa tay so với tháng trước; Công ty Vincommerce (Vinmart, Vimart+) tăng hàng gấp 3 lần so với bình thường; Công ty BRG Retail còn dự trữ 30.000 khẩu trang vải…

Với những phương án linh hoạt, kịp thời, các nhà phân phối khẳng định, nguồn hàng từ nhu yếu phẩm đến khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn luôn đầy đủ, sẵn sàng phục vụ để người dân yên tâm mua sắm tết.

Tin cùng chuyên mục