Dư điện, thiếu đường dây

Với mong muốn Ninh Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến hết năm 2020, hạ tầng đấu nối công suất 2.000 MW cũng phải hoàn thành. 

Thậm chí, để bù đắp cho phần công suất phát thiếu hụt giờ thấp điểm của các dự án điện mặt trời ở khu vực này, cần phải tính đến phương án xây dựng nhà máy thủy điện tích năng công suất lớn. Tuy nhiên, do việc triển khai đầu tư chưa đồng bộ giữa điện năng lượng và đầu tư hạ tầng truyền tải điện, vì vậy sau 2 năm phát triển các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận đã chững lại do quá tải về hệ thống đường truyền dẫn, đấu nối vào lưới điện quốc gia.

Khẩn trương xây dựng hệ thống truyền tải điện

Việc quá tải hệ thống đường truyền tải buộc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở một số thời điểm, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện. Tuy nhiên, con số cắt giảm 60% công suất như một số chủ đầu tư nêu ra chỉ là con số ở một thời điểm nhất định.

Trong tháng 6 và 7-2019, công suất cắt giảm trung bình mỗi ngày dao động ở mức 30 - 35%. Việc quá tải đường dây truyền tải khi các dự án đồng loạt kết nối vào hệ thống lưới điện đã được ngành điện cảnh báo từ tháng 11-2018 khi các dự án điện gió, điện mặt trời cùng phát triển “nóng” tại một khu vực, trong khi lưới điện chưa phát triển tương ứng.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, dù không muốn nhưng trung tâm buộc phải giảm tải tất cả các nhà máy nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống điện. Thực tế, nhiều nhà máy đồng loạt đấu nối vào đường dây truyền tải đã gây ra quá tải đường dây, buộc trung tâm phải điều chỉnh để tránh sự cố xảy ra. Theo ông Cường, thời gian tới, các nhà máy vẫn phải tiếp tục giảm công suất và việc kéo dài này phụ thuộc vào tiến độ cải tạo, nâng cấp và bổ sung các công trình truyền tải điện mới.

Theo Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, hai tỉnh đã gửi công văn kiến nghị Bộ Công thương xem xét điều chỉnh tiến độ đầu tư, xây mới, cải tạo hoặc nâng cấp các đường dây truyền tải và trạm biến áp 500kv, 220kv, 110kv ngay trong năm 2020 để giải tỏa công suất cho các nhà máy điện năng lượng đã đầu tư tại đây.

Điện tại các nhà máy không tải lên được lưới điện quốc gia. Ảnh QUỐC BẢO
Theo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT), nếu toàn bộ các đường dây đang đầu tư và đưa vào vận hành đúng kế hoạch thì đến tháng 6-2020 chỉ mới giải tỏa công suất các nhà máy khu vực Ninh Thuận hoàn thành trước tháng 6-2019, còn các nhà máy mới triển khai sau thời gian này vẫn chưa có lối ra.

“Kêu cứu” giải tỏa công suất

Thực trạng trên cho thấy, các nhà máy năng lượng tái tạo đã và đang đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận theo QĐ 115 của Chính phủ đang quá tải, vì đường truyền tải không đủ theo thực tế công suất hiện có và 2.000MW các nhà máy đạt được. Chính vì “điểm nghẽn” này, UBND tỉnh Ninh Thuận đang “kêu cứu” mọi giải pháp để có thể giải tỏa công suất, đồng thời đảm bảo giải tỏa 2.000MW cũng như các đường dây 110kv, 220kv đang bị quá tải đường truyền tải thông qua việc kêu gọi đầu tư trạm và đường dây 500kv. Không cách nào khác, ngoài việc xây dựng đường dây 500kv mới mong giải quyết được nguồn điện 2.000MW hiện nay.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, việc đầu tư và xây dựng trạm đường dây 500kv sẽ mang lại lợi ích cho các bên.

Thứ nhất, giải tỏa hết công suất trước cuối năm 2020 đúng cam kết với các nhà đầu tư, giảm thiệt hại, tăng nguồn thu ngân sách. Trong đó, trạm và đường dây 500kv không chỉ để giải tỏa công suất 2.000MW của cụm nhà máy điện mặt trời mà còn giảm tải đường dây 220kv hiện hữu và đường dây 500kv Vân Phong - Vĩnh Tân của EVN.

Thứ hai, EVN sẽ không giảm phát công suất các nhà máy và các nhà đầu tư năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh này.

Nguồn điện dư do không có đường truyền dẫn. Ảnh: QUỐC BẢO 
Tuy nhiên, để đầu tư các hạng mục giải tỏa công suất và đường dây 500kv còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ. Theo quy định của Luật Điện lực “truyền tải là độc quyền nhà nước”, song Luật Điện lực không nêu rõ “hạng mục” nào trong lĩnh vực truyền tải thuộc “độc quyền Nhà nước” (đầu tư - vận hành hay quản lý). Do đó, để tháo gỡ ách tắc trên cần nói rõ “độc quyền” về vận hành quản lý - hoạt động truyền tải hay khâu đầu tư. Về vấn đề này, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, doanh nghiệp đầu tư xong sẽ bàn giao toàn bộ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vận hành, quản lý với giá 0 đồng nhưng kèm theo họ được đầu tư các dự án tiếp theo.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương cũng cho rằng phương án này là “chấp nhận được”. Vì hiện tại NPT đang thu phí 100 đồng/kw truyền tải trên lưới điện quốc gia. Về nguyên tắc thì EVN đảm bảo điểm đấu nối cho các nhà máy điện độc lập, nhưng hiện nay EVN chưa thể đầu tư giải toả hết công suất 2.000 MW và đường dây 110 - 220kv hiện hữu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính vì EVN không thể giải quyết được nguồn điện trước năm 2020 nên UBND tỉnh Ninh Thuận kêu gọi xã hội hóa, đầu tư trạm và đường dây truyền tải nhằm giải tỏa công suất điện hiện nay. Về cơ chế vận hành, bảo trì bảo dưỡng đường dây 500kv và phí truyền tải lâu dài thì nhà nước và EVN cũng như NPT có cơ chế phối hợp tốt nhất.

Về việc đầu tư trạm và đường dây 500kv để giải tỏa công suất 2.000MW và các nhà đầu tư khác được đấu nối trực tiếp hay gián tiếp qua đường dây 220kv về trạm 500kv. Doanh nghiệp đầu tư trạm hay đường dây 500kv đảm bảo việc truyền tải cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo và đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật của ngành điện.

Yêu cầu kỹ thuật trạm và đường dây 500kv gồm: 3 máy biến áp 500kv - 3 x 900 MVA tương đương 2.300 MW tải cho cụm nhà máy 2.000 MW và công suất đường dây 220kv hiện hữu. 4 mạch đấu nối 220kv tại khu vực Thuận Nam. Đấu nối đường dây 500kv Vân Phong - Vĩnh Tân. Giải tỏa công suất truyền tải 6.000 MW. Đường dây 17 km tiết diện dây 600 mm², cấp tiết diện đường dây 500kv lớn nhất hiện nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 90 nhà máy điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 5.543,8 MW chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Riêng tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có 38 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 2.027 MW. Dự kiến, đến cuối năm 2020, công suất điện mặt trời ở 2 tỉnh này tăng 4.240 MW.

Chính vì vậy, công suất cần phải truyền tải từ hai địa phương này rất lớn. Cụ thể, Ninh Thuận từ 1.000 đến 2.000 MW và Bình Thuận là 5.700 đến 6.800 MW (gồm cả các nguồn điện truyền thống) kéo theo nhiều hệ thống đường dây, trạm biến áp khu vực này sẽ quá tải.

Tin cùng chuyên mục