Dư địa giảm lãi vay của ngân hàng vẫn còn

Các ngân hàng thương mại (NHTM) vừa công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2021 tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. Với việc ăn nên làm ra như vậy, nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng có thể giảm thêm lãi suất để chung tay tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh hiện nay.
Doanh nghiệp kinh doanh có lãi mới dễ tiếp cận gói vay ưu đãi (Sản xuất dược phẩm tại Công ty Pharmedic, TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG
Doanh nghiệp kinh doanh có lãi mới dễ tiếp cận gói vay ưu đãi (Sản xuất dược phẩm tại Công ty Pharmedic, TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Lãi “khủng” nhưng chưa thực chất?

Nguyên nhân chủ yếu giúp các NHTM lãi “khủng” trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn đến từ tín dụng. Ngoài chi phí vốn của ngân hàng rẻ kỷ lục, lãi suất tiền gửi giảm trong khi lãi vay giữ khá ổn định khiến biên lãi ròng (NIM) của nhiều ngân hàng tăng cao. Trong khi đó, thị trường chứng khoán tăng mạnh nên mảng kinh doanh này của các NHTM cũng mang lại lợi nhuận cho DN.

Cụ thể, MBBank có lợi nhuận trước thuế gần 8.000 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán, góp vốn đầu tư dài hạn hơn 1.000 tỷ đồng và từ hoạt động kinh doanh khác đạt 1.859 tỷ đồng. OCB báo lãi trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 2.661 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ, trong đó hoạt động mua bán chứng khoán của OCB trong quý 2-2021 tăng gấp 17 lần so cùng kỳ.

Một mảng đóng góp lớn cho lợi nhuận ngân hàng là bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng), khi doanh thu từ mảng này ngang ngửa doanh thu của các đại lý bảo hiểm. Chẳng hạn HDBank có lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 4.193 tỷ đồng, tăng 44,2% so cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ dịch vụ trong quý 2-2021 hơn 857 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ nhờ bancassurance và dịch vụ thanh toán. ACB lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 đạt 6.400 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ thu nhập phí đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ, với 853 tỷ đồng đến từ mảng bancassurance…

Theo các chuyên gia, do phải bù đắp cho quỹ dự phòng nợ xấu để đảm bảo an toàn cho hệ thống nên việc ngân hàng đạt lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm là chưa thực chất. Hiện có khoảng 1/3 dư nợ của ngân hàng đang được cơ cấu lại theo Thông tư 03/2021 của NHNN quy định cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay do ảnh hưởng dịch Covid-19, có nguy cơ thành nợ xấu. Do đó, 6 tháng cuối năm, khi phải trích lập dự phòng đầy đủ thì lợi nhuận ngân hàng năm 2021 có thể không cao như kỳ vọng.

Vẫn khó tiếp cận gói vay ưu đãi

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, DN đang rất khó khăn trong khi ngân hàng vẫn lãi “khủng” là chưa hợp lý. Về việc này, lãnh đạo một NHTM cho biết, nhiều NHTM đồng loạt giảm lãi suất cho vay từ tháng 7-2021 mức 1%-2%/năm theo lời kêu gọi của NHNN không chỉ vì mệnh lệnh hành chính mà cũng là để cứu ngân hàng. “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu DN không được hưởng lãi suất thấp sẽ khó khăn, không có khả năng trả nợ dẫn đến nợ xấu càng tăng. Khi đó ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng thì lợi nhuận cũng sẽ bị ăn mòn”, vị lãnh đạo này chia sẻ. Vì thế, để hài hòa lợi nhuận ngân hàng và khó khăn của DN, theo vị này, NHNN có thể bơm thêm vốn cho NHTM. Vốn này lãi suất thấp thì NHTM có thể cho DN vay lại với lãi suất thấp hơn mức thông thường.

Trong khi đó, lãnh đạo một NHTM khác tại TPHCM cho rằng, ngân hàng giảm lãi suất nhưng không thể hạ tiêu chuẩn vay, nên với mức lãi suất thấp thì chỉ những DN có tình hình tài chính tốt, tài sản đảm bảo giá trị cao và các lĩnh vực vẫn kinh doanh có lãi… mới có thể tiếp cận.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra tăng trong năm 2021 phù hợp thực tế nhưng chưa tính chi phí hoạt động và chi phí rủi ro. Các NHTM đẩy mạnh đầu tư ngân hàng số, thanh toán điện tử, giúp gia tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn lãi suất thấp, từ đó giảm chi phí huy động vốn đầu vào. Nhiều ngân hàng lãi lớn từ tín dụng 6 tháng đầu năm không phải do nâng lãi suất cho vay, mà chủ yếu nhờ nguồn vốn rẻ kỷ lục (tiền gửi không kỳ hạn tăng mạnh - PV). Điều này cho thấy, dư địa giảm lãi vay của ngân hàng vẫn còn.

Theo lý giải của ông Hùng, tỷ lệ vốn không kỳ hạn tăng thêm, chi phí giảm, vốn điều lệ được bổ sung đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) là điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất. Từng ngân hàng dựa vào “sức khỏe” của mình để giảm lãi suất cho vay nhưng phải có lộ trình phù hợp. Ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế nên đòi hỏi phải đủ sức khỏe mới có cơ sở hỗ trợ DN phục hồi và phát triển.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV:

Cần gói lãi suất phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nên cần nghiên cứu đưa ra gói hỗ trợ lãi suất riêng đối tượng này, quy mô 50.000-60.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay 3%-4%/năm, hỗ trợ lãi suất trong 1 năm. Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cấp bù phần lãi suất vì ước tính với gói này, ngân sách cần chi khoảng 2.000 tỷ đồng hỗ trợ, con số không quá lớn nhưng giúp nhiều DNNVV.

Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã triển khai. Gói tín dụng này nên có đối tượng trọng tâm, trọng điểm chứ không cào bằng, đại trà như gói hỗ trợ lãi suất năm 2009.

Tin cùng chuyên mục