Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2019 giảm 1,2%

Ngày 30-11, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị “Phát triển bền vững ngành thủy sản”, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các tỉnh thành vùng ĐBSCL và nhiều đơn vị xuất khẩu thủy sản.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2019 xảy ra một số bất lợi cho ngành thủy sản như: Giá cả hàng hóa trên thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh thương mại gia tăng, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang gây ảnh hưởng cho xuất khẩu; giá nguyên liệu thủy sản sụt giảm; các tàu cá và ngư dân vẫn còn vi phạm về đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU); mặc dù ngành chức năng nỗ lực triển khai các giải pháp nhưng thẻ vàng EC đối với hải sản khai thác của Việt Nam chưa được gỡ bỏ. Dù vậy, điểm thuận lợi của nuôi trồng và khai thác thủy sản là thời tiết khá ổn định. Ở trên biển, nghề lưới kéo đạt hiệu quả sản xuất ở mức trung bình, nghề lưới vây ổn định, nghề câu mực và câu cá ngừ đại dương hiệu quả khá. Dịch bệnh đối với thủy sản nuôi không bùng phát nhờ làm tốt việc phòng ngừa.

Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2019 giảm 1,2% ảnh 1 Giá cá tra năm 2019 sụt giảm khiến người nuôi thua lỗ
Tính đến hết tháng 10-2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 7 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ; trong đó, mặt hàng tôm xuất khẩu đạt 2,78 tỷ USD (giảm 6,4%), cá tra xuất khẩu đạt 1,64 tỷ USD (giảm tới 10%)... Nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm là do một số nước như Ấn Độ, Ecuador tiếp tục được mùa tôm, nguồn cung dồi dào, giá thành thấp nên cạnh tranh với tôm của Việt Nam; Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu biên mậu, tăng kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, trong khi một số doanh nghiệp của ta chủ quan nên chưa đáp ứng yêu cầu.

Đối với cá tra, tình hình xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 3-2019, nên doanh nghiệp cũng giảm thu mua cá nguyên liệu. Một số nước như Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh đầu tư phát triển cá tra, đặc biệt là Indonesia bắt đầu xây dựng, quảng bá dòng cá tra sạch và chiếm lĩnh thị trường Trung Đông. Arab Saudi vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra. Tất cả những bất lợi trên khiến giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL giảm mạnh xuống mức 19.000 - 19.500 đồng/kg (cá loại 1), hàng loạt hộ nuôi lỗ nặng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, thủy sản đóng vai trò quan trọng sản xuất và xuất khẩu của ngành nông nghiệp, tuy nhiên ngành này đang đối mặt với nhiều khó khăn. Việc cảnh báo thẻ vàng EC đối với hải sản khai thác đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu bị kiểm tra gần như 100% lô hàng và thời gian kiểm tra kéo dài ngày gây ra nhiều tốn kém. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất thủy sản chậm thay đổi, vẫn còn dạng nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Hạ tầng phục vụ thủy sản yếu kém, lạc hậu, thiếu đầu tư, thất thoát sau thu hoạch khá lớn. Chuỗi liên kết trong hoạt động thủy sản còn rời rạc, trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành thủy sản thiếu trầm trọng. Đây là những hạn chế tồn tại nhiều năm cần nhanh chóng khắc phục.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết đang phối hợp tích cực cùng các ngành liên quan, doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản giai đoạn cuối năm 2019 càng nhiều càng tốt. Dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý 4-2019 có thể đạt 2,44 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2019 lên mức 8,7 tỷ USD, giảm 1,2% so năm 2018.

Về lâu dài, VASEP lưu ý ngành tôm cần nhanh chóng tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với giá cạnh tranh, từ đó tiến tới xây dựng thương hiệu tôm Việt. Làm được điều này cần sắp xếp, quy hoạch vùng nuôi tôm hợp lý, hình thành các trang trại, hợp tác xã nuôi quy mô lớn đạt chuẩn quốc tế để có chứng nhận. Ngành chức năng cần đầu tư hạ tầng vùng nuôi, tập trung về điện, đường, thủy lợi…

Đối với cá tra, khẩn trương rà soát lại diện tích nuôi, tránh dư thừa nguyên liệu. Xây dựng dữ liệu đầy đủ và có lũy kế chuỗi để đánh giá tình hình, áp dụng số hóa và có thông tin định hướng cho phát triển cá tra. Ngành chức năng phải kiểm soát tốt khâu con giống nhằm nâng cao chất lượng cá tra, từ đó đáp ứng tốt cho các thị trường khó tính. Tới đây sẽ hạn chế xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc dạng biên mậu, tăng cường xuất khẩu chính ngạch; đồng thời có chiến lược marketing, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường EU.

Tin cùng chuyên mục