Dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng chỉ đạt được trong kịch bản cao

Mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) công bố tại cuộc hội thảo tổ chức ngày 19-1 tại Hà Nội cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đạt khoảng 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp).

Khác với hai kịch bản đã được Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương công bố cách đây vài ngày, mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) công bố tại cuộc hội thảo tổ chức ngày 19-1 tại Hà Nội cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp).

Nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế khẳng định, khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo đó, các dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đề ra sẽ đạt được chỉ trong kịch bản cao, khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.

“Cần phải tránh chủ quan cho rằng Việt Nam đang ở nhóm tăng trưởng cao nhất thì có nghĩa là nhiều vấn đề về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng đã được giải quyết, trái lại các điểm nghẽn vẫn cần phải được tập trung tháo gỡ một cách quyết liệt”, báo cáo nêu trên nhận định.

Đáng lưu ý, nhóm nghiên cứu Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi của người dân/doanh nhân trong cách thức sinh hoạt, chi tiêu và tiếp xúc, tương tác với nhau. Có nhiều ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, song cũng có nhiều nhóm ngành được hưởng lợi.

Tuy vậy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị để tiếp nhận cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), chứ chưa nói tới chuyện tận dụng nó để đưa Việt Nam “tiến vượt”.

Kết quả điều tra cho thấy, dưới 15% doanh nghiệp có ý tưởng về tích hợp “yếu tố CMCN 4.0” vào chiến lược phát triển doanh nghiệp. Và chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp đã xây dựng và đang thực hiện chiến lược CMCN 4.0.

Dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng chỉ đạt được trong kịch bản cao ảnh 1 Mới chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp đã xây dựng và đang thực hiện chiến lược CMCN 4.0, theo Viện Kinh tế Việt Nam

Trong khi đó, có hơn 77% doanh nghiệp được điều tra không sử dụng bất cứ công nghệ nào được xem là nền tảng của cuộc cách mạng này từ trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, internet kết nối vạn vật (IoT)…

Điều này đòi hỏi Chính phủ cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để giúp doanh nghiệp nhận thức được rõ hơn về CMCN 4.0 cũng như giúp doanh nghiệp tận dụng nó để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Một khuyến nghị khác là việc chống suy giảm tăng trưởng trong và sau đại dịch có những đặc trưng, tác động mới, có khác biệt với các đợt khủng hoảng trước, do vậy, các gói hỗ trợ và việc thực thi phải tính đến đúng mức các đặc trưng và bản chất của cú sốc dịch Covid-19; do vậy, cần chuyển từ hỗ trợ mang tính trung tính/truyền thống sang hỗ trợ có tính chuyên biệt để tăng hiệu quả.

Cụ thể, theo nghiên cứu nêu trên, mục tiêu của các gói kích thích tiếp theo vẫn không nên và không thể cứu tất các doanh nghiệp yếu kém để sau đó tạo ra gánh nợ; chính vì vậy, khi nguồn lực hạn chế, chỉ nên tập trung ưu tiên vào giải cứu, hỗ trợ các doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao, tạo năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn; mức độ, ngành hàng thuộc diện giải cứu cần tính đến mức độ hưởng lợi, thiệt hại của ngành từ đại dịch.

Để thúc đẩy tái cơ cấu và huy động vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp (khi thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi), cần đẩy mạnh việc IPO, thoái vốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước…

Tin cùng chuyên mục