Dự án sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam: Bất cập tái định cư

Gần 10 năm trôi qua, lộ trình sắp xếp dân cư ven biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã không như mong muốn. 
Cuộc di dời dân mang tính lịch sử nhưng thiếu tầm nhìn chiến lược, không tính toán đến vấn đề an sinh xã hội… đã khiến cho hàng vạn hộ dân rơi vào ngõ cụt, bế tắc. 
Tiền tỷ cũng hết
Năm 2008, Dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam chính thức triển khai. Thời gian thực hiện dự án dự kiến kéo dài 13 năm, từ năm 2008 - 2020. Có trên 18.000 hộ dân với gần 73.000 nhân khẩu của 15 xã thuộc 4 huyện, TP chịu ảnh hưởng bởi dự án, gồm huyện Duy Xuyên, huyện Thăng Bình, huyện Núi Thành và TP Tam Kỳ. Trong đó, tổng số hộ dân trong diện di dời là trên 4.000 hộ, còn lại nằm trong diện sắp xếp trong nội bộ xã và chỉnh trang tại các điểm hiện có; hộ nông nghiệp chiếm 41%, hộ ngư nghiệp chiếm 31%. Tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án dự kiến gần 3.700 tỷ đồng. Phần lớn diện tích trong dự án đều nằm ven biển, kéo dài từ huyện Duy Xuyên đến Núi Thành, sử dụng để đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và các khu đô thị.
Tuy nhiên, các dự án du lịch, khu đô thị liên tục bị trì trệ do thiếu vốn, thậm chí “treo” trong nhiều năm khiến cho cả chục ngàn hécta đất bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên. Trong khi đó, hàng ngàn hộ dân kêu cứu khắp nơi vì nằm trong vùng dự án nhưng đi không được, ở không xong, đường sá thi công dở dang, thiếu đất sản xuất, nuôi trồng thủy sản… khiến cuộc sống vốn đã khó, lại càng khó hơn.
Mãi đến năm 2016, 2017, một số dự án mới bắt đầu triển khai; trong đó có khu tái định cư (TĐC) Tây Sơn Đông (xã Duy Hải, Duy Xuyên) được hình thành để đón những hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng đến sinh sống. Đầu năm 2017, có 80 hộ di dời dân đến đây. Cả một dãy nhà bề thế mọc lên san sát nhau. Trước đây, bà con hễ gặp nhau đều nghe câu “nhận được bao nhiêu tỷ”, “mấy trăm triệu xây nhà”, nhưng đến nay chỉ biết ngồi bó gối, lo lắng tìm sinh kế mới…
Theo trưởng thôn Tây Sơn Đông Nguyễn Văn Thọ, đa phần người dân ở đây làm nghề biển, nhưng sau khi đến khu TĐC mới đã bỏ nghề vì khu TĐC nằm quá xa biển. Nhiều người tìm đến các làng chài khác để xin “đi bạn” cho các chủ tàu, tìm cái ăn qua ngày, số còn lại chỉ biết đi ra đi vào hoặc tụ lại bàn chuyện phiếm. 
Dự án sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam: Bất cập tái định cư ảnh 1 Người dân tranh thủ trồng nén trên khoảnh đất chưa giải tỏa để có nguồn sống
Vợ chồng ông Võ Công Xanh (57 tuổi) giống như 80 hộ còn lại, từng cầm trong tay 6 tỷ đồng tiền đền bù. Sau khi làm ngôi nhà kiên cố thờ tự, chia cho anh chị em, con cái, ông còn dư vài trăm triệu gửi ngân hàng. Số tiền tưởng lớn, nhưng qua 1 năm rút ăn dần, đã vơi gần hết.
Theo ông Xanh, 2 vợ chồng đều lớn tuổi, làm công nhân không ai nhận, đi biển không đủ sức, trong khi đó, hơn mấy ngàn mét vuông đất lâu dài, đất ruộng đã nhường hết cho dự án. Để mưu sinh, ông Xanh dự định thời gian tới ra Đà Nẵng làm phụ hồ hoặc xin giữ xe để kiếm tiền.
Khác với những năm trước ở nền đất cũ thôn Lệ Sơn (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên), đàn bà tất bật với ruộng rau, vựa lúa; đàn ông quanh năm vắng nhà vì đi biển. Giờ chuyển sang khu TĐC mới Sơn Viên, đàn bà không biết làm gì ngoài ngồi túm tụm nói chuyện, đàn ông thì nhậu nhẹt...
Bà Huỳnh Thị Khá có khu đất gần 10.000m2 bị giải tỏa trắng, nhận được 3,1 tỷ đồng. Số tiền đó bà mua lại 2 nền đất, rồi xây dựng nhà cho 2 vợ chồng, chia cho 5 đứa con mỗi đứa một ít vốn để sinh sống, vậy là hết tiền.
Bà buồn bã tiếc nuối: “Ngày xưa còn đất để trồng khoai, đậu. Mỗi ngày còn kiếm vài chục đến trăm ngàn để ăn uống qua ngày. Giờ không có đất lấy đâu để trồng trọt mưu sinh. Già rồi, quen tay quen chân với ruộng vườn; giờ ra khu TĐC chỉ biết ngồi ngóng người qua lại, mơ ước được về nơi ở cũ với ruộng rau xanh mướt quanh nhà, nhưng là mơ thôi…”.
Tương lai mịt mù
Bây giờ về khu ở mới, hầu hết đã có nhà cửa khang trang nhưng khi được hỏi muốn gì, tất thảy đều muốn quay trở lại cuộc sống ban đầu. Người dân bảo, cho sinh kế lâu dài còn vui, chứ kiểu đền bù xong rồi làm gì, nuôi gì cũng mặc kệ người dân như thế này thì chẳng khác nào… đem con bỏ chợ thì khổ quá! 
Ông Nguyễn Tấn Nam, Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương tập trung đầu tư nhiều nhóm dự án động lực cho vùng giải tỏa như nhóm khu đô thị, du lịch Nam Hội An, Vinpearl... Tuy nhiên, đối với người dân vùng ven biển, những khu resort, công nghiệp nghe còn quá xa vời vì vướng trình độ, tuổi tác… Vì thế, tương lai an sinh của những cư dân ven biển vẫn mịt mù, nếu không muốn gọi là bế tắc.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND xã Duy Hải cho hay, vấn đề việc làm trở thành nỗi lo lớn và cũng là nguyên nhân chính khiến người dân không muốn vào khu TĐC. Hiện dân trong xã có 2 nguồn thu nhập chính từ tiền bồi thường giải tỏa và làm các nghề liên quan đến biển. Sau khi giải tỏa vùng này không còn đất sản xuất nữa, ngoài tiêu dần tiền đền bù, nhiều lao động trung niên phần lớn thất nghiệp...

Tin cùng chuyên mục