Dự án một đường, triển khai một nẻo

Dự án một đường, triển khai một nẻo

Nhận trồng rừng để… phá rừng!

>> Bài 1: Biến rừng thành rẫy

Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã giao cho doanh nghiệp (DN) hàng chục ngàn hécta rừng và đất rừng để thực hiện dự án trồng rừng kết hợp chăn nuôi, trồng cây công nghiệp. Nhưng phần lớn DN chỉ triển khai việc chăn nuôi, trồng cây công nghiệp chứ không chú trọng trồng rừng.

Giao rừng là mất

Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa và những con đường băng rừng càng thêm trơn trượt. Xe máy, xe máy cày, ô tô… chen chúc nhau trên con đường đất lầy lội đi vào xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức), một trong những điểm nóng phá rừng của tỉnh ĐắK Nông. Vừa mới sáng sớm, con đường đất ngoằn ngoèo, quanh co này vẫn chưa mất dấu những chiếc xe máy cày chở gỗ từ đêm qua. Chúng tôi dừng xe chụp vội vài tấm ảnh, bỗng một người dân sấn lại nói: “Nhà báo à? Chụp đây ở đây ăn thua gì, đi vào xã mới nhiều”! Quả đúng như vậy, khi chúng tôi đặt chân đến địa phận xã Đắk Ngo, trước mắt hiện ra cảnh tượng rừng núi tan hoang. Hai bên đường, cây rừng bị đốt cháy nham nhở chưa kịp dọn và những rẫy mì, bắp, cà phê đã mọc lên xanh mướt. Những ngôi nhà tạm cũng “mọc lên như nấm sau mưa” trên những cánh rừng bị phá. Theo một cán bộ kiểm lâm huyện Tuy Đức, những nơi rừng bị chặt phá và đất rừng bị lấn chiếm như thế đều đã được giao cho các DN.

Càng vào sâu trung tâm xã, rừng bị phá càng khốc liệt hơn. Hai bên đường, rừng đã giao hết cho các DN trồng rừng nhưng chẳng thấy vạt rừng nào đáng gọi là rừng. Trụ sở các DN trồng rừng là những căn nhà dựng tạm bằng gỗ, lợp tôn; nhìn chẳng khác gì mấy cái lều của người dân. Xung quanh đó, họ cũng trồng mì, trồng bắp như người dân, còn rừng chẳng thấy đâu.

Người dân xã Ea Tam (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) vào chặt hạ rừng trồng trong khu rừng tranh chấp với Công ty CP Trồng rừng Trường Thành       Ảnh CÔNG HOAN

Ông Phan Minh Thọ, Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Minh Phúc, cho biết: “Ngày 27-11-2009, công ty được tỉnh giao 400ha rừng và đất rừng để khoanh nuôi bảo vệ, trồng cao su. Nhưng hiện trên diện tích đó đã có 112 hộ dân xâm canh trồng mì với khoảng 202ha. Do người dân xâm canh trước khi tỉnh giao đất cho công ty, nên không thể đuổi họ đi được”.

Bỏ bê rừng

Sau một thời gian thực hiện dự án trồng rừng, nhiều DN ở huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã xin chuyển mục đích sang trồng cây công nghiệp. Vào năm 2010, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trường Thịnh (gọi tắt Công ty Trường Thịnh) được UBND tỉnh tạm giao 697ha đất để trồng rừng kết hợp chăn nuôi tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Đến năm 2015, dự án được bổ sung thêm hạng mục trồng hồ tiêu dưới tán rừng. Đến nay, công ty này chỉ mới trồng và làm thủ tục hoàn công 450ha rừng. Còn 247ha đã bị dân lấn chiếm. Ông Trần Lãnh Mạnh, Phó thôn Ia Brel, cho biết: Ngoài việc trồng rừng từ nhiều năm trước, Công ty Trường Thịnh rục rịch trồng tiêu từ khoảng 2 tháng nay. Tại thôn, có nhiều hộ dân tranh chấp đất với công ty. Có trường hợp người dân trồng hoa màu thì bị bên Công ty Trường Thịnh chỉ đạo người phá hoa màu. Theo ông Nguyễn Văn Dạng, Chủ tịch UBND xã Ia Le, có nhiều nguyên nhân xảy ra tranh chấp đất giữa Công ty Trường Thịnh với dân. Trong đó có nguyên nhân từ năm 2012 đến 8-2014, công ty khó khăn không sản xuất. Thời gian dự án bỏ hoang, bà con vào chiếm đất để sản xuất. Đến tháng 9-2014, công ty vào thực hiện dự án thì xảy ra tình trạng tranh chấp. Huyện đang thành lập đoàn công tác xác minh, giải quyết tranh chấp.

Một dự án khác tại xã Ia Le được giao đất trồng rừng nhưng triển khai không hiệu quả là dự án của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Lê Khanh (gọi tắt Công ty Lê Khanh). Theo đại diện Phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh, vào năm 2006, công ty này được tạm giao hơn 2.093ha đất để trồng rừng, kết hợp chăn nuôi và trồng cây nông sản. Từ năm 2006 - 2010, công ty nhiều lần bị thu hồi hơn 1680ha.  Số diện tích còn lại khoảng hơn 412ha được công ty này trồng keo nhưng đã bị cháy gần hết. Từ năm 2010, công ty bỏ bê không triển khai dự án. “Những  diện tích đất bị thu hồi trong các năm là do dự án triển khai chậm, chưa làm tốt công tác dân vận, cũng như sử dụng lao động tại chỗ quá ít theo như dự án đã phê duyệt…  Từ năm 2010, công ty không thực hiện dự án và hầu như diện tích này đã bị dân chiếm sử dụng canh tác nương rẫy. Chúng tôi nhiều lần liên lạc với người có trách nhiệm của công ty nhưng không được”, bà Phạm Thị Thu, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh, cho biết.

Tranh chấp rừng trồng với dân

Hàng trăm hécta rừng được người dân trên địa bàn huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đầu tư sức người, sức của để phủ xanh đất trống, đồi trọc. Khi rừng lên xanh tốt, bỗng nhiên UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi giao cho DN quản lý. Hệ lụy xảy  ra từ năm 2008 đến nay, trên diện tích 418ha rừng trồng do Ban quản lý Dự án (BQLDA) rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng đang quản lý, đã xảy ra tranh chấp giữa 28 hộ dân nhận khoán tại hai xã Ea Tam và Cư Klông (huyện Krông Năng) với Công ty cổ phần trồng rừng Trường Thành.

Từ năm 2001 - 2008, có 3 nhóm hộ (11 hộ) và 17 hộ dân các xã Cư Klông và Ea Tam được BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng giao khoán 546ha đất lâm nghiệp để trồng rừng, hiện đã trồng được 486ha keo xen thông. Việc giao khoán được thực hiện theo Quyết định số 661/QĐ-TTg, ngày 29-7-1998 của Thủ tướng Chính phủ. Trong số 28 hộ nhận khoán, có 12 hộ được BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng lập hồ sơ giao khoán và khế ước giao khoán đất lâm nghiệp vào ngày 16-6-2001 với thời gian 50 năm. Còn lại 16 hộ, có hợp đồng trồng và chăm sóc rừng. Theo đó, trong 3 năm đầu, các hộ nhận khoán đất lâm nghiệp trồng, chăm sóc rừng được Nhà nước đầu tư theo định mức 4 triệu đồng/ha (gồm cả tiền cây giống) và từ năm thứ 4 trở đi được chi trả 100.000 đồng/ha/năm cho công tác bảo vệ rừng trồng. Ngoài ra, từ khi trồng đến thời kỳ thu hoạch lâm sản, các hộ nhận khoán còn đầu tư thêm kinh phí và công lao động với mức bình quân 30 triệu đồng/ha.

Bà Trương Thị Hậu (ở xã Cư Klông) chia sẻ: “Sau khi được giao đất, giao rừng, gia đình tôi huy động nhân lực, nhờ người thân, đổi công và thuê mướn người trồng rừng. Bà con nhận khoán trồng rừng hăng say trồng, chăm sóc, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Ước tính, khi đến kỳ khai thác sẽ có được khối lượng lớn gỗ keo để cải thiện cuộc sống gia đình, khai thác nhựa thông để hướng tới phát triển kinh tế đảm bảo sống được từ rừng, thậm chí còn có thể làm giàu”. Nhưng đến ngày 3-10-2008, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định thu hồi 568,43ha đất của BQLDA rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng giao cho Công ty CP trồng rừng Trường Thành thuê, đã chồng lấn lên toàn bộ diện tích rừng trồng của dân.

CÔNG HOAN - HỮU PHÚC

>> Bài 1: Biến rừng thành rẫy

Tin cùng chuyên mục