Dự án cấp bách, triển khai ầu ơ

Cứ giáp tết là kẹt xe, ùn ứ nghiêm trọng khắp các cửa ngõ, nhất là khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất và Bến xe Miền Đông. 

Điều đáng nói, Bến xe Miền Đông mới ở quận 9, TPHCM đã hoàn thành, sẵn sàng đưa vào hoạt động nhưng vẫn án binh bất động do vướng thủ tục. Trong khi đó, các dự án “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất bàn tới bàn lui rất quyết liệt, hiện còn nằm trên giấy.

Chờ giải cứu sân bay

Dự án giải quyết kẹt xe, ùn ứ khu vực vào sân bay Tân Sơn Nhất được triển khai từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn tiếp tục… chờ. Theo quy hoạch của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đến năm 2020, có khoảng 25 triệu lượt hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, nhưng hiện tại lượng khách qua đây đã hơn 41 triệu lượt.

Áp lực ngày càng lớn khi các cửa ngõ vào sân bay đã quá tải từ nhiều năm qua, cứ giáp tết là ùn tắc trầm trọng. Hơn nữa, hành khách về quê dịp tết thường có số kiện hành lý nhiều hơn ngày thường, nên thời gian làm thủ tục và nhận hành lý cũng lâu hơn.

Khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất với các điểm nóng kẹt xe như vòng xoay Lăng Cha Cả cùng các tuyến đường Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh… đã quá tải. Vào giờ cao điểm, trên các tuyến đường này, dòng xe luôn ken kín. Năm 2016, dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, quận Tân Bình, đã được HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu lập dự án trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư, Bộ GTVT đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết sân bay Tân Sơn Nhất giai đoạn đến 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, có kế hoạch mở rộng nhà ga T1, T2 hiện hữu và xây mới nhà ga T3 để đáp ứng nhu cầu vận chuyển 50 triệu hành khách/năm.

Từ đó, sẽ gia tăng áp lực giao thông tại khu vực này, dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án nhằm đảm bảo đồng bộ và phù hợp với quy hoạch cảng.

Theo đó, thay vì chia thành 4 đoạn với quy mô 4 làn xe rộng 20m - 22m (quy hoạch cũ), nay dự án điều chỉnh thành 5 đoạn với quy mô 6 làn xe, rộng 29,5m - 48m. Tổng chiều dài hơn 4km, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2024.

Sự thay đổi này nâng tổng mức đầu tư dự án tăng từ 1.402 tỷ đồng lên gần 4.850 tỷ đồng (bao gồm chi phí xây lắp hơn 1.735 tỷ đồng; quản lý dự án hơn 23,6 tỷ đồng, tư vấn đầu tư xây dựng hơn 75,7 tỷ đồng; chi phí khác 137,25 tỷ đồng; dự phòng 236,64 tỷ đồng; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 2.640 tỷ đồng). Ngoài ra, dự án cũng xây dựng mới hầm chui tại nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện và nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng khẩn trương thực hiện nhanh và đồng bộ các dự án giao thông xung quanh khu vực sân bay là đặc biệt cần thiết. Các dự án kết nối giúp chia bớt lượng xe, giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường vốn đang quá tải nghiêm trọng này. Giải thích về việc chậm triển khai này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, dự án đang trong giai đoạn chờ giải phóng mặt bằng.

Làm xong bỏ không?

Một dự án được kỳ vọng sau khi hoàn thành sẽ giải quyết dứt điểm nạn ùn tắc giao thông tại khu vực Bến xe Miền Đông hiện hữu, đó là Bến xe Miền Đông mới tại quận 9. Tuy nhiên, công trình đã hoàn tất, sẵn sàng phục vụ nhưng lại không được đưa vào sử dụng do vướng thủ tục.

Dự án cấp bách, triển khai ầu ơ ảnh 1 Bến xe Miền Đông mới tại quận 9. Ảnh: CAO THĂNG

Theo chủ đầu tư là Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (SAMCO), bến xe mới vẫn chưa đi vào hoạt động đúng kế hoạch do cần hoàn thiện pháp lý. Cụ thể, Bộ Xây dựng dù đã kiểm tra đầy đủ, nhưng chưa ban hành văn bản nghiệm thu dự án. Chủ đầu tư đang chờ UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ban ngành cho phép SAMCO được ký hợp đồng thuê đất tại Bến xe Miền Đông mới để triển khai cho thuê các dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải.

Phía SAMCO cho biết, các tuyến đường nội bộ, công trình hạ tầng bãi đậu xe bên trong bến về cơ bản đã hoàn thành. Hơn 1 tháng trước, đã bắt đầu tổ chức huấn luyện, đào tạo đầy đủ công tác kỹ thuật... sẵn sàng đón các tuyến xe khách vào hoạt động.

Bến xe Miền Đông mới được khởi công xây dựng từ tháng 4-2017, với diện tích hơn 16ha thuộc phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, Bình Dương và phường Long Bình quận 9, TPHCM. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 hoàn thành vào cuối năm 2017.

Tuy nhiên, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, dự kiến đến ngày 15-8-2019 sẽ đi vào hoạt động, nhưng hiện nay lại tiếp tục chờ… vì vướng thủ tục. Sở GTVT TPHCM cho biết, giai đoạn 1 dự kiến di dời 29 tuyến xe cố định có cự ly từ 1.100km trở lên (tức từ tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía bắc) ra bến xe mới. Trung bình có khoảng 40 chuyến/ngày hoạt động.

Việc chậm trễ hai dự án trọng điểm trên càng khiến tình trạng giao thông những ngày giáp tết thêm nghiêm trọng. Chưa kể dự án đã hoàn thành, lại không được đưa vào khai thác sẽ gây lãng phí tiền bạc của xã hội.

Tin cùng chuyên mục