Dự án 1 luật sửa 8 luật

Với quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống xã hội trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, dự án 1 luật sửa 8 luật được Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường của Quốc hội, diễn ra hôm nay 4-1. TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về dự án luật này.

 TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương

Phải chọn được những vấn đề cấp bách để sửa

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, việc Quốc hội đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 luật ra xem xét trong kỳ họp bất thường có ý nghĩa thế nào trong tình hình hiện nay?

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Xây dựng một dự án sửa nhiều luật là giải pháp tình thế để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, huy động thêm nguồn lực, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, tạo ra cơ hội kinh doanh đầu tư mới cho doanh nghiệp và người dân, từ đó thúc đẩy thêm tăng trưởng, tạo công ăn việc làm. Vì làm theo quy trình rút gọn cho nên cần phải chọn những vấn đề cốt lõi, cấp bách nhất, đang gây khó cho doanh nghiệp nhiều nhất để sửa. 

Tôi cho rằng, việc sửa luật để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong tình hình hiện nay có ý nghĩa quyết định việc phân bổ nguồn lực trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mà tới đây chúng ta sẽ triển khai. Đó cũng là trọng tâm cải cách thể chế mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, là phát triển các thị trường nhân tố sản xuất.

Với những nội dung cụ thể trong dự thảo 1 luật sửa 8 luật, ông có nhận xét gì? 

Tôi thấy có một số quy định đáng ghi nhận. Chẳng hạn, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện là phù hợp, kịp thời để khuyến khích đầu tư sản xuất, nắm bắt cơ hội phát triển ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường cũng như định hướng sản xuất, tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch. Thậm chí, tôi cho rằng nên giảm mạnh nữa và nên có một luật sửa nhiều luật thuế để khuyến khích, ưu đãi, kích thích tăng trưởng nhanh, phục hồi kinh tế.

Riêng về ngành ô tô, tôi nghĩ nên cân nhắc tiếp tục thêm những chính sách ưu đãi lớn hơn, dài hơi hơn, giúp gia tăng vị thế cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, vừa tạo động lực tăng trưởng và tạo nguồn thu ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

Dự luật lần này còn xem xét sửa đổi cả Luật Điện lực. Lâu nay, giá điện luôn là vấn đề toàn xã hội quan tâm. Nghiên cứu dự thảo, ông thấy thế nào? 

Nhìn từ góc độ tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, tôi thấy sửa Luật Điện lực theo hướng cho phép tư nhân được tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải là hướng đi đúng, sẽ thu hút đầu tư tư nhân vào đầu tư mạng lưới truyền tải, tháo điểm nghẽn giữa năng suất nguồn điện và mạng lưới hiện nay. 

Nhưng còn nhiều vấn đề còn phải làm rõ hơn để quy định này triển khai hiệu quả, hạn chế rủi ro. Chẳng hạn như vấn đề phân định phạm vi giữa Nhà nước và tư nhân trong hoạt động quản lý, vận hành lưới điện truyền tải quốc gia; về quyền, nghĩa vụ của các đơn vị truyền tải điện tư nhân; về kiểm soát đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải, bảo đảm yêu cầu an toàn hệ thống điện cũng như quốc phòng… Bên cạnh đó, chính sách giá điện và các loại phí có liên quan đến truyền tải điện là vấn đề phức tạp cần xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng.

Dự án 1 luật sửa 8 luật ảnh 2 Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam.  Ảnh: QUANG PHÚC

Từ quá trình theo dõi môi trường kinh doanh hiện nay, ông có thấy thêm những vấn đề gì cần được cấp thiết sửa đổi, bổ sung?

Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhưng tôi nhận thấy những sửa đổi chưa mang tính căn bản.

Với Luật Đầu tư, điều quan trọng nhất là chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư như tính chất nguyên thủy của luật chứ không phải là chỉ thay đổi một vài thủ tục, nguyên tắc đầu tư. Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần được xác định rõ là “Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện” chứ không phải “Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện”. Thêm vào hai chữ “đầu tư” tưởng là chuyện nhỏ nhưng lại mở ra phạm vi áp dụng rất lớn; tăng thêm các cấp quản lý, xét duyệt hoạt động của doanh nghiệp ngay từ khâu đầu tiên là đầu tư mà đáng lẽ chỉ nên có điều kiện ở lúc doanh nghiệp đi vào kinh doanh. Việc có thêm các cấp phê duyệt ngay từ khâu đầu tư khiến cho quá trình gia nhập thị trường bị chậm trễ, chi phí tăng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh… Đáng nói hơn cả là các điều kiện về kinh doanh đã được quy định cụ thể, còn các điều kiện về đầu tư thì chưa, rất dễ dẫn đến tình trạng tùy ý, xin - cho.

Đặc biệt là cần phải sửa Luật Đất đai, tất nhiên không phải trong luật này. Nút thắt quá lớn đó được đề cập quá lâu rồi.

8 luật được sửa bao gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Tin cùng chuyên mục