Đột quỵ - nguy hiểm nhưng không khó phòng ngừa

Đột quỵ (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là căn bệnh nguy hiểm liên quan tới những rối loạn chức năng thần kinh. Tại Việt Nam, những năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ liên tục gia tăng với trên 200.000 trường hợp mắc mới mỗi năm, trong đó gần 50% bệnh nhân đột quỵ bị tử vong và tới 90% để lại di chứng. 

Mặc dù có tỷ lệ tử vong và di chứng cao nhưng căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng tránh được, cũng như điều trị hiệu quả nếu người bệnh không có những suy nghĩ sai lầm...

Đột quỵ - nguy hiểm nhưng không khó phòng ngừa ảnh 1 Người bệnh có biểu hiệu đột quỵ cần tới bệnh viện sớm để điều trị hiệu quả
 Người trẻ cũng tai biến

Khoa Cấp cứu của Bệnh viện (BV) Bạch Mai từ đầu năm 2019 tới nay luôn trong tình trạng quá tải vì thời tiết giá rét khiến số bệnh nhân nhập viện tăng cao, trong đó chiếm đa phần là bệnh nhân bị tai biến mạch máu não.

Nằm bất động một chỗ vì liệt nửa người sau ca tai biến, ông N.T.Hùng (68 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) khó nhọc chia sẻ: “Tôi bị huyết áp cao, mấy hôm vừa rồi trời lạnh nhưng lại chủ quan dậy sớm tập thể dục nên mới bị tai biến. Lúc có biểu hiện của tai biến rồi cũng không để ý, cứ nghĩ là bị trúng gió nên không vào viện ngay mà lại nằm nhà, hôm sau mới vào viện nên khá muộn để chữa trị”.

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, số người bị đột quỵ luôn chiếm đa phần bệnh nhân cấp cứu tại khoa và không chỉ ở người cao tuổi, cả người trẻ cũng có không ít trường hợp bị méo mặt, tê bại chân tay, liệt nửa người. Trong những ngày giá rét, số bệnh nhân đột quỵ thường tăng mạnh 10% - 20%.

“Từ đầu tuần tới nay, ngày nào chúng tôi cũng tiếp nhận cấp cứu 30 - 40 trường hợp đột quỵ”, PGS-TS Nguyễn Văn Chi chia sẻ.

Đại diện BV Bạch Mai cũng cho biết thêm, những trường hợp bị đột quỵ là những bệnh nhân vốn có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì... Khi gặp yếu tố khách quan như thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh sẽ làm tăng các nguy cơ bất ổn, dẫn tới đột quỵ.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tại Việt Nam, những năm gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ không ngừng gia tăng - từ 1,7% lên 2,5%, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ mỗi năm. Đáng lo ngại hơn, lâu nay nhiều người vẫn cho rằng đột quỵ chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi, nhưng thực tế căn bệnh này đang có chiều hướng trẻ hóa khi mà chỉ sau 25 tuổi, tỷ lệ nguy cơ bị đột quỵ lên tới 17%  - 22%.

Tước đi cơ hội sống

Theo một số chuyên gia về thần kinh, đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong và di chứng để lại cao nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được và điều trị hiệu quả. Bởi qua nhiều nghiên cứu cho thấy, có tới 80% bệnh nhân bị đột quỵ là do tăng huyết áp và khoảng 15% là do xơ vữa động mạch, còn lại là các nguyên nhân khác.

Dấu hiệu nhận biết người bị đột quỵ: Nói có biểu hiện ngọng, khó nói, nói không tròn vành rõ chứ, không nói được; cười mồm méo, lệch một bên; không giơ được tay lên để chào hoặc giơ 2 tay lên ngang vai nhưng một bên tay bị xệ hơn; nhấc chân lên nhưng không nhấc được, hoặc nhấc khó… Nếu có các dấu hiệu này, chính là biểu hiện của đột quỵ và cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng.

GS Đỗ Doãn Lợi, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia, cho biết cứ 10 người có đột quỵ lần đầu thì 8 người mắc tăng huyết áp, đây cũng là bệnh tim mạch phổ biến nhất hiện nay khi cả nước có tới 21 triệu người đang mắc tăng huyết áp. Do đó, chỉ cần giảm mỗi 2mmHg huyết áp sẽ giúp giảm 10% tử vong do đột quỵ và nếu đưa được về mức huyết áp tối ưu 120/80mmHg sẽ phòng ngừa được biến chứng đột quỵ ở hầu hết các trường hợp.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Chi cho biết thêm, thực tế có không ít bệnh nhân đột quỵ bị mất đi cơ hội sống vì những quan niệm sai lầm của bản thân, cũng như người thân. Trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ có khung “thời gian vàng” là 6 giờ đầu, mang lại hiệu quả điều trị rất cao. Tuy nhiên thực tế nhiều bệnh nhân nhập viện muộn do suy nghĩ khi bị đột quỵ phải nằm yên một chỗ không được vận động, không đưa đi viện ngay để tránh bệnh nặng thêm.

“Đây là nhận thức sai lầm. Theo nguyên lý không để bệnh nhân vận động là áp dụng đối với bệnh nhân khó có thể đi được, vì nếu vận động bệnh nhân có thể ngã, bệnh thêm nặng. Còn với bệnh nhân đột quỵ nói chung thì phải đặt bệnh nhân lên cáng hoặc đưa lên ô tô cấp cứu. Lúc đó,  ô tô hoạt động, chứ bệnh nhân có hoạt động đâu”, PGS-TS Nguyễn Văn Chi thẳng thắn chỉ rõ.

Cùng với đó, không ít trường hợp bị đột quỵ là vội vàng sử dụng An cung ngưu hoàng, xem như là loại “thần dược” chữa trị tai biến mạch máu não. Tuy nhiên theo một số lương y, việc tự ý sử dụng An cung ngưu hoàng là rất nguy hiểm vì trong thành phần của loại thuốc Đông y này có những thành phần như xạ hương, ngưu hoàng, sừng trâu…, là những vị thuốc cực lạnh nên những người bị bệnh ở thể hư hàn thì tuyệt đối không sử dụng, nếu sử dụng sẽ khiến cho bệnh nặng lên. Hơn nữa, ngay cả trong trường hợp cấp cứu tai biến mạch máu não, việc sử dụng An cung ngưu hoàng cũng phải thận trọng vì không phải trường hợp nào cũng dùng được. Nếu quan niệm cứ tai biến là cho bệnh nhân uống ngay sẽ có hiệu quả thì có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Tin cùng chuyên mục