Đột phá về hạ tầng tương tác cao TP phía Đông

Sáng 5-3, UBND TP Thủ Đức tổ chức buổi tọa đàm cùng các doanh nghiệp đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040.
Một góc TP Thủ Đức: Ảnh: HOÀNG HÙNG
Một góc TP Thủ Đức: Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, TP nhận thức rằng để đồ án quy hoạch thực hiện được là phải dựa vào cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia cũng như góp ý, ý tưởng của người dân. Các ý tưởng cũng từ đây và nguồn lực cũng từ đây. Do đó, hội thảo lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp hết sức nghiêm túc. Từ đó, xây dựng một đồ án hết sức “đời thường” dễ hiểu và dễ thực hiện nhất với đời sống người dân và tạo sự phát triển không chỉ cho TP Thủ Đức mà cho cả TPHCM.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, không chỉ giai đoạn đóng góp ý tưởng mà sau này cũng cần sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân để công tác thực hiện quy hoạch tốt hơn, xuyên suốt hơn.  

TS Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty EnCity (Liên danh Sasaki-EnCity nhóm tư vấn dành giải nhất cho cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác phía Đông TPHCM" do TPHCM tổ chức, đơn vị này được lựa chọn từ sáu công ty tư vấn quốc tế, và là hai trong ba công ty trong liên danh tư vấn hiện đang thực hiện quy hoạch chung TP Thủ Đức) cho rằng, có 4 nội dung mà TP Thủ Đức phải hướng đến trong quá trình xây dựng và phát triển. Đó là, kinh tế ứng dụng công nghệ cao; khu vực trọng điểm về sáng tạo của TPHCM; trung tâm giao thương của cả các vùng phụ cận như Biên Hòa, Đà Lạt, Vũng Tàu…; nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.

Tại buổi tọa đàm, hầu hết các ý kiến cho rằng, để TP Thủ Đức tạo đột phá trong thời gian tới, hạ tầng giao thông cần phải quan tâm đầu tư hàng đầu, tạo sự kết nối cao, nhanh, thuận tiện giữa các vùng, tạo sự tương tác nhanh giữa con người với con người, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền… thông qua hệ thống viễn thông hiện đại, đồng bộ.

TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, quy hoạch TP Thủ Đức đưa ra trong bối cảnh kinh tế của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng đang phục hồi sau đại dịch. Hàng loạt dự án về hạ tầng giao thông liên quan đến TPHCM như Vành đai 2, Vành đai 3… đang khẩn trương đầu tư. Trong quá trình xây dựng đồ án quy hoạch cho TP Thủ Đức, theo ông Vũ có 3 yếu tố giữ vai trò then chốt là con người, cơ sở hạ tầng và công nghệ. TP Thủ Đức là nơi có rất nhiều trường đại học, viện, khu công nghệ cao thu hút nguồn nhân lực có trình độ, tập trung học tập, làm việc khá đông, đây là một thuận lợi để phát triển trong thời gian tới.

Trong khi đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia nhận định, quy hoạch - đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những bước đột phá để TP Thủ Đức phát triển trong thời gian tới. Hiện nay hàng hóa tại các cảng đi qua địa bàn TP Thủ Đức quá tải, gây ùn tắc giao thông, đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM đề xuất, khôi phục lại quy hoạch tuyến đường sắt trên cao chở hàng hóa kết nối từ Ga Sóng Thần - Cảng Cát Lái (từ Cảng Cát Lái kết nối Cái Mép - Thị Vải, từ Cát Lái kết nối Cảng Hiệp Phước và Cảng Tân Lập, Long An).

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Group cho rằng, TP Thủ Đức tiếp giáp với hệ thống sông ngòi, kênh rạch khá đa dạng. Do vậy, trong quá trình xây dựng đồ án quy hoạch cần giữ gìn cảnh quang sông nước, phát triển giao thông thủy. Cần nghiên cứu và phát triển mô hình đô thị xanh. Đây là cơ hội quý báu để có những chiến lược thay đổi cả về lượng lẫn về chất cho TP này trong tương lai. Theo bà Mẫu, trước những đe dọa của các kịch bản biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên, năng lượng, những chiến lược về phát triển đô thị bền vững thân thiện với môi trường trở nên cấp thiết. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị bền vững, việc phát triển các đô thị theo hướng xanh là hướng đi tất yếu.

Hiện nay, TP Thủ Đức đang tập trung để triển khai công tác đề xuất, trình phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung TP Thủ Đức để làm cơ sở quan trọng đặt nền móng cho việc xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông và kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài phục vụ cho sự phát triển, nhất là kêu gọi đầu tư 8 khu trung tâm chức năng. Bên cạnh đó, triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số tại TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung xây dựng Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa nền hành chính công và quản trị chính quyền TP Thủ Đức nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trong quá trình lập đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040, Chính quyền TP Thủ Đức nêu hàng loạt vấn đề cần có sự tham gia góp ý của các doanh nghiệp.

Cụ thể, trong quá trình lập đồ án quy hoạch doanh nghiệp cần gì để xây dựng hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo; muốn tham gia xây dựng hệ sinh thái sáng tạo như thế nào; khó khăn, vướng mắc gì mà quy hoạch có thể giải quyết được; cần gì để thành công…? Chính sách thu hút các trường đại học đặt trụ sở tại khu vực cửa ngõ phía Đông; chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư nước ngoài; xây dựng và hoạch định công tác bảo vệ môi trường song song với việc phát triển TP…

TP Thủ Đức có 211,56 km² diện tích tự nhiên và 1.013.795 người, gồm 34 phường.

Quy hoạch đến năm 2040: Khu vực trong TP Thủ Đức sẽ được phát triển thành trọng điểm sáng tạo và trung tâm đổi mới, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân TP Thủ Đức.

1.000 ha là tổng diện tích dành cho sản xuất công nghệ cao, với 10% diện tích sàn dành cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo; 2.100 ha là diện tích dành cho công viên và không gian mở, đảm bảo 7,1 m² đất công viên/người, và cư dân có thể đi bộ đến đó trong vòng 5 phút; đáp ứng 50% nhu cầu đi lại của người dân TP Thủ Đức bằng phương tiện công cộng, như tàu metro, dịch vụ giao thông theo yêu cầu, và các mô hình giao thông xanh khác.

Tin cùng chuyên mục