Đột phá cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Văn phòng Đề án 844 (ISEV) vừa công bố bản đồ đầu tiên về Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2021 (ảnh), tập hợp hàng trăm tổ chức, cơ quan và doanh nghiệp (DN) đang tham gia xây dựng hệ sinh thái trong nước từ khu vực công, tư và hợp tác nước ngoài.
Đột phá cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia

Bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam với vai trò trung tâm của Startup, gồm các thành phần được lựa chọn dựa trên một số tiêu chí như có nhiều đóng góp cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoạt động tích cực và phối hợp với Đề án 844 trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; đảm bảo đa dạng ngành nghề, lĩnh vực.

Trung tâm bản đồ là khu vực Startup với 30 DN tiêu biểu đã có nhiều bước tiến đáng kể thời gian qua. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp chia làm 5 nhóm: Nguồn vốn; Hỗ trợ khởi nghiệp; Cung cấp dịch vụ; Mạng lưới và Nguồn nhân lực tài năng.

Bên cạnh đó, bản đồ cũng được kỳ vọng giúp đối tác, đơn vị quốc tế nắm bắt được các đơn vị nổi bật trong hệ sinh thái hiện tại, qua đó kỳ vọng giảm bớt khó khăn trong việc tìm kiếm đầu mối liên lạc tại Việt Nam. Bản đồ giúp hình dung sơ bộ về vị trí và vai trò của các tổ chức đang hoạt động trong hệ sinh thái, để từ đó tìm kiếm các quan hệ đối tác thích hợp. Đại diện Văn phòng Đề án 844 cho biết, bản đồ được cập nhật liên tục để phản ánh sự phát triển lớn mạnh của hệ sinh thái quốc gia những năm tiếp theo.

Giai đoạn hiện tại, Đề án 844 tập trung hỗ trợ các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp như vườn ươm; tổ chức thúc đẩy kinh doanh, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp sáng tạo; đơn vị truyền thông cho khởi nghiệp; trường đại học hay các cơ sở đào tạo cho khởi nghiệp sáng tạo…

Đề án 844 được thành lập theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là “loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, và có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu”.

Mục tiêu của đề án là tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình DN có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới; khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2025, dự kiến hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 600 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 DN tham gia đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.

Theo thống kê của Tạp chí Echelon (Singapore), cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 3.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Con số này tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính năm 2015, khoảng 1.800 DNq

Tin cùng chuyên mục