Động viên ngư dân tiếp tục bám biển

Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng thông báo cho ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển biết, việc phía Trung Quốc ra thông báo tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị.
Trước việc Trung Quốc ra thông báo ngừng đánh cá có thời hạn từ 12 giờ ngày 1-5 đến 12 giờ ngày 16-8 trên biển Đông ở vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao với vùng biển Phúc Kiến - Quảng Đông kể cả vịnh Bắc bộ và vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng thông báo cho ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển biết về việc tạm ngừng đánh cá có thời hạn của phía Trung Quốc và khẳng định việc Trung Quốc ra thông báo tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị.
Đồng thời, đề nghị các địa phương động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển.
Động viên ngư dân tiếp tục bám biển ảnh 1
Bộ NN-PTNT cũng lưu ý, đối với tàu cá có giấy phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung vịnh Bắc bộ năm 2017 - 2018 không sang khai thác tại vùng biển phía Đông đường phân định vịnh Bắc Bộ trong thời gian nói trên. UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ việc xuất bến của tàu cá hoạt động trong thời gian này, thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của tàu cá trên biển, kịp thời thông báo các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển về Bộ NN-PTNT (qua đường dây nóng của Cục Kiểm ngư) theo quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển. 
Trước hành động này, Hội Nghề cá Việt Nam đã phản đối việc Trung Quốc đơn phương ban hành quy chế cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên biển Đông, gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân Việt Nam; xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển vịnh Bắc bộ, vi phạm các quyền lợi và lợi ích pháp lý của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan; đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Tin cùng chuyên mục