Đồng tiền lạnh lẽo…

Chưa bao giờ cái cảm giác “lạnh như tiền” lại làm chúng ta tê cóng, lạnh buốt tâm can như những ngày hè năm nay. 
Mới đây thôi, một cô hoa hậu đổi tình lấy tiền - theo như cô thật thà khai nhận tuy chưa có phán quyết cuối cùng - đã làm nóng dư luận xã hội, làm chia rẽ nhận thức về phẩm giá và giá trị đồng tiền.
Có người coi đó là chuyện mua - bán, cung - cầu, đổi chác sòng phẳng, nhưng tuyệt đại đa số có ý kiến khác về những giá trị tình cảm không thể đổi ngang bằng bất cứ khoản tiền nào.
Thậm chí có những người mơ mộng đã hát vang lừng bản “Triệu đóa hoa hồng” của Raymond Pauls về một chàng họa sĩ đã bán sạch bách tài sản, tranh pháo để mua cả triệu đóa hồng thắm tặng người thầm yêu. Đơn giản vì nàng thích. Đơn giản vì yêu là cho hết. Và trên hết là tình người đã thắng sức mạnh đồng tiền.
Song le, đời thực không phải một màu hồng của tình yêu. Nhìn quanh quẩn ta nhác thấy bóng dáng “ánh kim” xuyên thủng lớp giáp giá trị tinh thần những tưởng là trường tồn.
Mới nhất, vụ chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng) đã làm bàng hoàng tất cả khi con trâu đã húc đổ cả một bề dày truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể. Tất nhiên có mất mát về người và là mất mát, nỗi đau lớn nhất, nhưng cũng thật đúng lúc để chúng ta bình tâm xem xét lại khía cạnh thương mại hóa các lễ hội không còn là “đáng báo động” nữa như nhận định của các nhà quản lý văn hóa. 
Ở đây, góc khuất đồng tiền đã che mờ lý trí của các cấp chính quyền địa phương, dù họ nhất mực thề thốt phải bảo tồn di sản độc đáo. Và ai cũng biết có hay không lễ hội năm tới thì phải chấn chỉnh khâu tổ chức, phải minh bạch, công khai hóa các khoản thu chi, cũng như giữ cho được phần hồn của truyền thống ngàn năm, nhưng liệu lời hứa kiểu như vậy có thoảng qua như cơn gió biển thổi về đất cảng mỗi mùa?
Sự thật thì chỉ có con trâu bước lên sới chọi mới tỏ tường. Khổ nỗi nó đâu có biết nói năng đanh thép như cô hoa hậu nọ, đành phải nghiến răng nghe người đời đàm tiếu.
Người ta đưa ra giả thuyết chủ trâu ép nó uống rượu say mất tự chủ, rồi cho uống thuốc kích thích như cho các vận động viên điền kinh chạy nước rút uống trước mỗi cuộc thi, rồi đủ thứ chuyện tâm linh khiến nó nổi điên…, song ánh mắt đỏ ngầu của con trâu cho thấy nó đã hết chịu được lòng tham vô độ của con người.
Nó biết chủ nó phải bỏ ra cả trăm triệu cho nó đi thi, nào là nộp cho phường 25-30 triệu đồng “phí tổ chức”, nào là 1 triệu đồng tiền chuồng nhốt trong sới, chưa kể tiền mua chính nó, tiền huấn luyện, tiền mài sừng cho sắc bén…, nghĩa là phúc phận ông chủ đâu được hưởng hết.
Đấy là nó còn chưa biết sau khi đã tình nguyện hiến tế, người ta còn tranh cướp mua xác thịt nó với giá ngang với giá họ hàng gần là con bò Kobe vốn còn những tháng ngày được nghe nhạc cổ điển, được mát xa. Chả bù cho nó được danh hão là “đầu cơ nghiệp” mà khổ như trâu!
Trong vòng xoáy kim tiền này, con trâu khổ một thì con người còn khổ mười. Cũng thấy khổ, thấy thương con trâu, nhưng càng thương cảm hơn  người phải lo kiếm tiền cho sáng tạo chân chính của người khác.
Ngày 7-7 vừa qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã có cuộc gặp “bất thường” với báo giới để thông báo doanh thu của VCPMC trong 6 tháng đầu năm là 35,1 tỷ đồng, giảm khoảng 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những lý do được đại diện trung tâm đưa ra là sau ồn ào thu tiền tác quyền ở các khách sạn Đà Nẵng, Bộ VH-TT-DL yêu cầu tạm dừng thu tiền tác quyền ở các khách sạn và chính điều này khiến cho doanh thu không bằng các năm trước.
Từ “trên đỉnh Phù Vân”, tất nhiên VCPMC có cái nhìn thấu cảm, hiểu được ngóc ngách những vấn đề quy phạm pháp luật về luật sở hữu trí tuệ buộc phải chấp hành, song còn đó những vướng mắc phải giải quyết, nhất là sự minh bạch thu - chi.
Một nhạc sĩ lão thành như Phú Quang, tác giả của “Em ơi Hà Nội phố”, còn phải phẫn nộ việc VCPMC chưa bao giờ công khai việc chi tiền trả cho các tác giả âm nhạc. Theo ông, mỗi năm VCPMC đều công bố thu được 80 tỷ, 90 tỷ hay 100 tỷ đồng nhưng thực tế số tiền họ trả cho các tác giả chẳng đáng là bao, chưa kể cách “ngã giá” khi thu tiền biểu diễn “chẳng khác gì hàng tôm, hàng cá”.
Buổi sáng đòi 70 triệu cho dăm bài hát, buổi trưa sau “giằng co” thì ra giá 20 triệu và đến tối còn…7 triệu đồng. Chưa kể cách thu cũng hết sức phi lý như ở các quán karaoke, VCPMC không thu theo bài mà thu khoán, thu theo cách đổ đồng. Và như thế các tác giả sẽ không biết được tiền tác quyền họ đáng ra được nhận là bao nhiêu. VCPMC đưa cho bao nhiêu thì chỉ biết có bấy nhiêu.
Đó không phải là chuyện “lọt sàng xuống nia”, nó phức tạp hơn nhiều trong quan hệ tình - tiền. Một khi vấn đề chỉ được giải quyết bằng tiền thì đó không còn là vấn đề, đơn giản đó là chi phí và đã là chi phí thì phải hết sức minh bạch, không có chuyện nước đôi kiểu “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn”.
Rõ ràng đó là yêu cầu cấp thiết cần chấn chỉnh trong mọi hoạt động văn hóa, từ lễ hội đến tác quyền. Và mong lắm thay những đổi thay trước sự lạnh lẽo của đồng tiền…

Tin cùng chuyên mục