Đồng Tháp vào mùa hàng tết

Vào thời điểm này, có dịp đi thực tế tại “thủ phủ” sản xuất hoa, trái cây, thủy hải sản của tỉnh Đồng Tháp, mới cảm nhận được sắc xuân đang tràn dâng trên các cánh đồng, hứa hẹn mang lại cho người dân một mùa bội thu sau nhiều tháng ngày lao động vất vả. Theo đó, phần lớn sản lượng hoa, trái cây do Đồng Tháp sản xuất sẽ cung ứng cho thị trường tết tại TPHCM.
Du khách thích thú chụp hình lưu niệm bên vườn quýt Lai Vung đang vào mùa chín rộ dịp tết
Du khách thích thú chụp hình lưu niệm bên vườn quýt Lai Vung đang vào mùa chín rộ dịp tết

1. Ngày 18-1 vừa qua, có mặt tại vườn quýt hồng Hưng Phát (ấp Tân Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), nhiều người không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp rực rỡ của những trái quýt đã đến kỳ thu hoạch. Theo đó, nhiều nhà vườn quýt hồng tại Lai Vung cũng đã mở cửa, đón khách tham quan. Theo giới thiệu của người dân địa phương thì đây là vườn có diện tích khá lớn (gần 2ha), sai trái nhất và mức độ chín khá đồng đều nên đã trở thành địa chỉ thu hút nhiều du khách gần xa tới tham quan.

Quýt hồng Lai Vung từ lâu đã trở thành thương hiệu của Đồng Tháp, được người dân cả nước biết đến nhờ chất lượng vượt trội, màu sắc trái quýt đẹp và bảo quản được lâu trong thời tiết bình thường. Đặc biệt, quýt hồng thường chín rộ vào vụ tết nên đây cũng là loại trái cây được lựa chọn để chưng vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Quýt hồng được trồng chủ yếu ở 3 xã dọc bờ sông Hậu là Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành thuộc huyện Lai Vung.

Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho biết, do ảnh hưởng của dịch vàng lá, thối rễ, chết xanh trên cây có múi nên diện tích trồng quýt hồng trên địa bàn huyện Lai Vung những năm gần đây liên tục sụt giảm. Trong năm 2020, diện tích trồng chỉ còn khoảng 300-400ha với tổng sản lượng 3.000-4.000 tấn trong mùa tết, giảm đến 70% về cả diện tích lẫn sản lượng so với những năm trước. Hiện tỉnh Đồng Tháp đã có đề án khôi phục vùng trồng quýt hồng Lai Vung, sắp tới sẽ triển khai để hỗ trợ bà con nông dân trồng lại những vườn quýt đã hư hại vì dịch bệnh vàng lá, thối rễ.

Theo Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Lai Vung, do sản lượng hạn chế, hiện giá quýt hồng loại 1 thu mua tại vườn là 50.000 đồng/kg, nhưng nhiều khả năng sau ngày rằm tháng Chạp giá quýt hồng có thể tăng lên mức 70.000-80.000 đồng/kg. Mặt khác, do sản lượng giảm nên các nhà vườn chỉ bán tại vườn cho thương lái đưa về các chợ đầu mối của TPHCM tiêu thụ, không cần vất vả đi tìm đầu ra cho trái quýt như những năm trước.

2. Rời Lai Vung, chúng tôi đến với “thủ phủ” của các loại hoa ở khu vực phía Nam là Làng hoa Sa Đéc cũng đang tấp nập vào mùa. Người bán, người mua, khách du lịch ken dày các lối đi. Tại đây, loại hoa nào cũng được trồng một cách đẹp đẽ, bất chấp khí hậu, thổ nhưỡng qua bàn tay của những người nghệ nhân, nông dân ở làng hoa trăm tuổi này đều đã có mặt tại đây. Theo ước tính, Làng hoa Sa Đéc hiện có khoảng 3.500 loài hoa khác nhau.

Ông Trần Anh Điền, chuyên viên tư vấn Khu tham quan ẩm thực Cúc Mâm Xôi thuộc Công ty CP Du lịch Thành Phố Hoa nằm trong quần thể Làng hoa Sa Đéc cho biết, chỉ riêng khu du lịch này vào cao điểm năm trước, mỗi ngày đón khoảng 1.700-2.000 du khách nhưng dự kiến vào những ngày cận Tết Tân Sửu 2021 sẽ có khoảng 10.000 lượt du khách đến tham quan và mua sắm. Tính chung, hàng năm, số lượt khách đến tham quan du lịch, trải nghiệm tại Làng hoa Sa Đéc khoảng gần 1 triệu lượt khách, trong đó hơn 35.000 lượt khách quốc tế.

Cũng theo ông Điền, sản lượng hoa cung ứng cho thị trường tết năm ngay tiếp tục tăng, giá ổn định so với năm rồi. Tuy nhiên, điều khiến các nhà vườn thấp thỏm, lo ngại trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân có mở hầu bao để mua hoa chưng tết hay sẽ thắt chặt chi tiêu? Đây là câu hỏi lớn, phải chờ tới những ngày cận tết mới có câu trả lời chính xác.

Làng hoa Sa Đéc có diện tích 129ha được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là làng nghề truyền thống năm 2007. Năm 2020, tổng diện tích trồng hoa kiểng đạt trên 622ha (tăng bình quân 30%), tập trung chủ yếu ở phường Tân Quy Đông, xã Tân Khánh Đông và lan rộng sang địa bàn phường An Hòa, xã Tân Quy Tây thuộc TP Sa Đéc, với khoảng 4.000 hộ sản xuất. Giá trị sản xuất hoa kiểng năm 2019 ước đạt khoảng 1.701 tỷ đồng, chiếm 75% giá trị sản xuất ngành trồng trọt, chiếm 60% so với giá trị nông - lâm - thủy sản của tỉnh.

Hiện TP Sa Đéc đang vận động người dân dồn điền đổi thửa, mở rộng diện tích sản xuất hoa kiểng gắn với phát triển du lịch và các dịch vụ đi kèm phục vụ khách tham quan. Mặt khác, khuyến khích người dân tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng ngành hàng hoa kiểng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong thuần dưỡng các giống hoa truyền thống, đồng thời lai tạo, cấy ghép đưa ra thị trường nhiều giống hoa kiểng mới. Quan tâm đến bảo vệ môi trường trong sản xuất và kinh doanh hoa kiểng, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ dân sử dụng thuốc trừ sâu, phân hữu cơ thân thiện môi trường, tuyên truyền cho người dân và du khách giữ gìn vệ sinh chung trong làng hoa.

3. Cùng với thế mạnh về trái cây và hoa kiểng, 2 năm gần đây, Đồng Tháp đã ráo riết thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (còn gọi là chương trình OCOP). Đến nay, Đồng Tháp đã chắp cánh cho 161 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3-4 sao. Trong đó, có 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao tỉnh đang lập hồ sơ đề nghị Trung ương xét đánh giá, xếp hạng. Kết quả này đạt và vượt 5 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đưa Đồng Tháp trở thành địa phương đứng thứ 3 sau Quảng Ninh và Hà Nội phát triển được nhiều sản phẩm OCOP nhất cả nước.

Để sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, Đồng Tháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu. Theo đó, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã vào hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, VinMart, Bách hóa Xanh, Tứ Sơn, An Nam, cửa hàng bán lẻ Vissan. Tết năm nay, người tiêu dùng TPHCM có cơ hội biết thêm nhiều loại đặc sản mới của Đồng Tháp như hạt sen sấy, bột đậu đen xanh lòng, các loại bánh phồng tôm, mứt trái cây, rượu sen, cá kho rệu… Ngoài ra, tỉnh còn triển khai trưng bày, quảng bá các sản phẩm tại các khu, điểm du lịch, các khách sạn, nhà hàng trong tỉnh; thành lập Trung tâm giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội, đưa các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản của tỉnh giới thiệu tại thị trường khu vực phía Bắc.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho hay, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương góp phần mang lại giá trị gia tăng cao. Cách làm này sẽ đánh thức khu vực nông thôn, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, phát triển mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tiếp tục sát cánh, đồng hành cùng DN để đưa sản phẩm OCOP vươn xa.

Giai đoạn 2021-2025, Đồng Tháp đề ra mục tiêu phấn đấu đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 1.500 cán bộ quản lý nhà nước thực hiện chương trình OCOP và 100% lãnh đạo DN, HTX, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Bên cạnh đó, duy trì, củng cố các sản phẩm đạt chứng nhận 3-4 sao; phấn đấu tiêu chuẩn hóa ít nhất 10% sản phẩm đạt 4 sao OCOP đủ điều kiện tham gia xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Triển khai xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP gắn với quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết hợp vào không gian hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh. Phấn đấu ít nhất 50% số sản phẩm OCOP được liên kết với hệ thống siêu thị hoặc trung tâm thương mại, có quầy giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch lớn nhằm đưa các mặt hàng đặc sản đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục