Đồng Tháp nỗ lực phát triển kinh tế

Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước đã tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh, đời sống người dân. Tuy nhiên, với sự chủ động của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân, Đồng Tháp thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, duy trì được đà phát triển.
Đồng Tháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với du lịch
Đồng Tháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn với du lịch

Ổn định kinh tế - xã hội

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng GRDP ước đạt 3,41%, dù có chậm hơn so với cùng kỳ, nhưng đây là kết quả nổi bật trong tình hình khó khăn chung. Đồng Tháp là địa phương có mức tăng trưởng cao nhất khu vực ĐBSCL. Trong đó, lĩnh vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,16%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,46%; thương mại - dịch vụ tăng 1,44%...

Tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến, khuyến khích sản xuất tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị nông sản. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh ước đạt 13.176 tỷ đồng, tăng 508 tỷ đồng so với cùng kỳ. Thêm điểm nổi bật là vụ lúa đông xuân 2019-2020 ở tỉnh đạt năng suất 7,2 tấn/ha, tổng sản lượng 1,45 triệu tấn, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhờ thuận lợi về giá bán nên nông dân tăng được lợi nhuận khoảng 23 triệu đồng/ha (cao hơn vụ đông xuân trước 4 triệu đồng/ha). Sản xuất vụ hè thu 2020 được thực hiện hơn 186.000ha, hầu hết lúa sinh trưởng tốt, nguồn nước phục vụ tưới tiêu được bảo đảm. Ước giá trị sản xuất ngành hàng lúa gạo đạt 8.456 tỷ đồng. Tiếp tục khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái... theo hướng sản xuất sạch, chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Ước tính giá trị sản xuất hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày đạt 2.258 tỷ đồng, tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với hoa kiểng tổ chức lại sản xuất, gắn kết với du lịch để phát huy tiềm năng, lợi thế. Ước giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng đạt 1.060 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ 2019.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của phần lớn DN vẫn duy trì nhờ vào nguồn nguyên liệu tại chỗ. Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm đạt 33.925 tỷ đồng, tăng 7,51%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 51.174 tỷ đồng, tăng 3,51%. Cộng đồng DN đánh giá cao sự nỗ lực của Đồng Tháp thông qua điểm số PCI hàng năm. Năm 2019, Đồng Tháp giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Đây là năm thứ 12 liên tiếp Đồng Tháp nằm trong nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành cao nhất nước.

Tăng tốc

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm 2020 cần phấn đấu đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện tốt phòng chống Covid-19; rà soát và chi hỗ trợ các đối tượng là người lao động, lao động tự do, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng. Theo dõi diễn biến của thời tiết, dịch bệnh phát sinh trên cây trồng, vật nuôi, có giải pháp phòng trừ hiệu quả; gia tăng số lượng đàn gia súc, gia cầm, nhất là đàn heo; thực hiện truy xuất nguồn gốc vùng trồng cho một số nông sản chủ lực; rà soát và có giải pháp hỗ trợ nông dân trồng cây có múi bị thiệt hại.

Sở NN-PTNT Đồng Tháp nhận định, thuận lợi hiện nay là giá bán lúa cao hơn cùng kỳ từ 200-300 đồng/kg và theo dự báo, xuất khẩu gạo ổn định đến cuối năm 2020. Đây là động lực thúc đẩy người dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, nên khả năng sản lượng lúa sẽ đạt và vượt kế hoạch năm. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp dự báo lũ năm nay ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, thuận lợi để các địa phương sản xuất ổn định. Ngành nông nghiệp đang bám sát tình hình dịch bệnh để phục vụ tốt cho sản xuất vụ hè thu, vụ thu đông và kế hoạch xuống giống vụ đông xuân 2020-2021 hiệu quả. Lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Đồng Tháp cho hay, sẽ tích cực hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu; ứng dụng KHCN, cải tiến trang thiết bị, phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc nhằm nâng chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng. Thực hiện tốt công tác thông tin thị trường để định hướng sản xuất và phát huy các mặt hàng có lợi thế của địa phương. Kêu gọi các DN tham gia chuỗi cung ứng đầu vào cho sản xuất, thu mua và chế biến nông sản, xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các ngành cải thiện mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, gỡ khó cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Vấn đề quan trọng là xác định những động lực tăng trưởng mới trong từng ngành, lĩnh vực, làm cơ sở cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với nhu cầu phát triển. Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, hoàn chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và kế hoạch đầu tư công trung hạn (2021-2025); triển khai lập quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Đến thời điểm này, Đồng Tháp có 78/117 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 79,59% kế hoạch, tăng 21 xã so với cùng kỳ); có 4 đơn vị cấp huyện với 100% số xã đạt chuẩn NTM là: TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc, thị xã Hồng Ngự và huyện Tháp Mười.

Tin cùng chuyên mục