Động thái đáng lo ngại

Ngày 27-8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cảnh báo, kế hoạch “gây hấn” của Trung Quốc khi hiện đại hóa các lực lượng quân sự chắc chắn sẽ làm nước này gia tăng các hành vi khiêu khích tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. 

Cần bảo vệ chủ quyền

Phát biểu tại sự kiện nhân chuyến đi đến Hawaii, Bộ trưởng Esper kêu gọi các đồng minh và đối tác của Mỹ theo đuổi đường lối chính sách tương đồng nhau và đầu tư cần thiết nhằm cải thiện năng lực để có thể bảo vệ lợi ích của nhau, tăng cường tính sẵn sàng cũng như bảo vệ chủ quyền và giá trị của mình.

Tàu hải cảnh của Trung Quốc trên Biển Đông
Theo Bộ trưởng Esper, Mỹ hy vọng tiếp tục làm việc với Trung Quốc để đưa Bắc Kinh trở lại quỹ đạo phù hợp với các quy tắc quốc tế. Trước đó, trong bài viết gần đây trên tờ Wall Street Journal, ông Esper kêu gọi các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phối hợp với Mỹ để có biện pháp đáp trả hiệu quả trước các hành động cưỡng ép kinh tế và quân sự của Trung Quốc nhằm mục tiêu thống trị khu vực. 

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi thông tin trên tờ South China Morning Post cho biết, Trung Quốc đã phóng 2 tên lửa đạn đạo ra Biển Đông, qua đó gửi lời cảnh báo tới Mỹ. Một trong số đó là tên lửa DF-26B (Đông Phong-26) được phóng từ tỉnh Thanh Hải, tên lửa còn lại DF-21D (Đông Phong-21), phóng từ tỉnh Chiết Giang ở phía Đông. Cả hai tên lửa đã rơi xuống một khu vực đang đóng cửa vì tập trận đang được tiến hành tại đây. Theo South China Morning Post, vụ phóng tên lửa là phản ứng của Trung Quốc trước những rủi ro tiềm tàng do sự hiện diện ngày càng thường xuyên của máy bay và tàu quân sự Mỹ ở Biển Đông. Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, ngày 25-8, một máy bay trinh sát U-2 của Mỹ đã đi vào vùng cấm bay được áp đặt trong khi diễn ra các hoạt động tập trận bắn đạn thật ở Chiến khu miền Bắc của Trung Quốc.

Phản ứng trước vụ việc trên, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea tuyên bố, Trung Quốc quá sai lầm khi cho rằng việc phóng tên lửa đạn đạo ở Biển Đông có thể đe dọa Mỹ.

Gia tăng sức ép 

Trước đó, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt 24 công ty và hàng chục cá nhân Trung Quốc liên quan hoạt động cải tạo và quân sự hóa trái phép các thực thể trên Biển Đông. Các công ty này sẽ bị ngăn chặn tiếp cận những công nghệ và sản phẩm từ Mỹ hoặc có yếu tố Mỹ. Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh, các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc làm xói mòn chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực và chúng diễn ra bất chấp sự lên án của Mỹ cũng như các quốc gia khác. 

Trong 24 công ty được công bố, nổi bật nhất là Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc (CCCC), nhà thầu cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai và con đường” mà Trung Quốc xây dựng trên khắp thế giới. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo cấm nhập cảnh và hạn chế thị thực đối với các lãnh đạo 24 công ty bị trừng phạt cùng người thân của họ. Mỹ kỳ vọng các nước khác cũng sẽ ra tuyên bố tương tự. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh, Trung Quốc không được phép sử dụng các công ty này làm vũ khí để áp đặt một chương trình nghị sự bành trướng của mình. Ông Pompeo tuyên bố, Mỹ sẽ còn trừng phạt cho đến khi “chúng tôi thấy Bắc Kinh ngừng các hành vi cưỡng ép ở Biển Đông và cam kết tiếp tục sát cánh với các đồng minh và đối tác khu vực để chống lại các hoạt động gây bất ổn này”.

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản đang theo dõi các động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông. Phát biểu với các phóng viên ở thủ đô Tokyo, ông Suga  tuyên bố, Nhật Bản phản đối quyết liệt bất cứ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Bên cạnh đó, Người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh các vấn đề về Biển Đông có liên quan trực tiếp tới hòa bình và ổn định tại khu vực này và là một vấn đề quan tâm chính đáng của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản. 

Tin cùng chuyên mục