Dòng sông một thời bi tráng

Trong ký ức tuổi thơ, nhà tôi nằm cạnh bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Tôi sợ nhất là khi “Tháng 7 nước nhảy lên bờ”, bởi những trận mưa lũ hàng năm, dòng sông quê êm đềm là thế bỗng đục ngầu cuồn cuộn nước đổ về từ thượng nguồn.

Sau ngày thống nhất, những tưởng chiến tranh đã vĩnh viễn lùi xa, vậy mà quân thù không để ta yên. Tháng 11-1977, gác lại ước mơ đại học, tôi lên đường nhập ngũ, đi một mạch 6 năm, qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới Tây - Nam và biên giới phía Bắc rồi chuyển ngành thẳng vào Nam.

Vài năm trở lại đây, không biết cơ duyên gì tôi thường có dịp trở lại thăm quê nhà Quảng Trị vào tháng 7. Thời gian này, dòng người từ khắp mọi miền đất nước tụ hội về đây, thăm di tích quốc gia Thành cổ Quảng Trị, viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường Chín… dâng hương, thả hoa tri ân các anh hùng, liệt sĩ.

Năm ngoái, tôi về Quảng Trị, đứng giữa màu xanh bạt ngàn và cái nắng chói chang trưa hè của vùng quê trong khu nghĩa trang, trước khu mộ nơi chị tôi - liệt sĩ Nguyễn Thị Thủy yên nghỉ có khóm tường vi đang bung những đóa hoa rực thắm đẹp đến nao lòng.

Níu một nhành hoa, tôi bỗng hình dung ra dáng chị tôi ngày nào, hồn hậu, đằm thắm, đoan trang như loài tường vi vậy – đẹp mà không kiêu sa, điệu đàng; cho dù đất Quảng Trị nắng “khét lẹt”, gió Lào “rát rạt” thì tường vi vẫn khiêm tốn tỏa sắc hương, dâng hiến cho đời vẻ đẹp tinh khôi và cả sự hy sinh cao cả ẩn chứa sâu thẳm bên trong. Tiếc cho tường vi cánh mỏng mong manh, lòng tôi luống ngậm ngùi khi nghĩ về sự ra đi quá sớm của chị.  

Dòng sông một thời bi tráng ảnh 1 Hình ảnh của liệt sĩ Nguyễn Thị Thủy thời thanh xuân

Năm nay, vì dịch covid-19, tôi không thể về quê như mọi năm, để được đứng bên hàng tường vi, lặng nhìn đôi bờ Thạch Hãn trầm tư, soi bóng xuống dòng sông xanh, nơi đã đi vào huyền thoại, một thời bi tráng.

Những ngày tháng ấy, dưới pháo sáng và đạn bom, nhiều chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh khi vượt sông sang chi viện cho trận chiến khốc liệt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972. Thắp nén hương lòng tưởng nhớ những người đã ngã xuống, tôi muốn viết về những chiến công của những anh hùng liệt sĩ mà tôi từng gặp, từng chứng kiến hay nghe kể lại từ người trong cuộc, bắt đầu từ người chị yêu dấu.

Câu chuyện xảy ra khoảng năm 1967 ngay tại nhà tôi – trong một lần chị mưu trí, dũng cảm giải cứu cán bộ cách mạng khỏi rơi vào tay giặc. Người cán bộ năm xưa đó là Đại tá Đào Xuân Thống, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, nguyên Cục trưởng Cục Tham mưu An ninh, Bộ Công an. 

Dòng sông một thời bi tráng ảnh 2 Đại tá Đào Xuân Thống 

Anh vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước nên thoát ly tham gia cách mạng rất sớm, được tuyển chọn vào lực lượng An ninh tỉnh Quảng Trị.

Hồi đó, chị tôi là cơ sở cách mạng, kém tuổi anh. Họ đã có một thời tuổi trẻ lãng mạn, tự hào. Sau này, tôi cũng có đọc nhiều bài viết về anh, biết anh từng vào sinh ra tử trong những năm đánh giặc Mỹ.

Làng Như Lệ quê tôi (thuộc Hải Lăng, nay thuộc TX Quảng Trị) ở bờ Nam sông Thạch Hãn, nằm giữa 2 đồn Tân Lệ và đồn La Vang của địch. Đây là vùng chiến sự giáp ranh, đêm ta, ngày địch. 

Vào một hôm khoảng đầu giờ chiều, anh Thống đột ngột xuất hiện ở nhà tôi. Những lần trước, anh thường đến vào buổi chiều chạng vạng, chập tối, lúc đó địch đã rút về đồn. Hôm đó, anh đến sớm làm cả nhà lo lắng, vì giấc này, binh lính địch vẫn thường hay đi tuần, nếu chúng phát hiện thì quá nguy hiểm.

Linh tính không sai, khi chị tôi và anh ấy đang bàn công tác thì có tin báo khẩn cấp: Lính ở đồn Tân Lệ đang đi tuần, chúng đang đến cách nhà tôi chừng 300m. 

Cha mẹ tôi hốt hoảng. Chị tôi và anh Thống cũng chưa biết xử trí ra sao. Hầm bí mật thì nằm ở hướng đang có địch tới nên không thể ra đó. Nếu để anh ấy rời khỏi nhà lúc này thì rất dễ sa vào tay giặc hoặc đối mặt "một mất một còn". 

Trong phút chốc sinh tử, chị tôi bình tĩnh bàn nhanh với cha mẹ tôi rồi quyết định dứt khoát: Đưa anh Thống vào nấp trong cái “chồ”(*) nhà mình. Một quyết định táo bạo, đánh đổi mạng sống cả gia đình.

Một thoáng do dự, rồi anh Thống khẽ kéo quy lát lên đạn khẩu Carbine M2, về góc “chồ”. Chị tôi cẩn thận nhúng chiếc khăn ướt đưa cho anh bịt mũi, đề phòng trong “chồ” có mùi ẩm mốc hay mùi cay của ớt bột bốc lên gây sặc, ho sẽ bị địch phát hiện. Rồi chị đậy 2 tấm ván cửa, mở hờ tấm trên cùng để anh ấy không bị ngộp và để bọn lính khỏi nghi ngờ khi thấy “chồ” đóng kín.  

Mọi việc xong xuôi, không khí căng như dây đàn. Cả nhà ngồi quanh bàn ăn giả vờ vừa ăn trưa xong, hồi hộp chờ tình huống xấu nhất nếu địch đến soi đèn kiểm tra “chồ” như có lần tôi từng thấy lính Mỹ đã làm trong một trận càn. Tôi lúc đó còn nhỏ, nhớ lời chị dặn: “Ai hỏi chi cũng không nói hoặc nói không biết, nghe chưa!”.

Đêm đó, nhờ sự mưu trí, nhanh nhạy của chị, cả nhà thoát hiểm trong gang tấc. Trời sẩm tối, anh Thống rời đi. Chị không quên làm cơm nắm để anh ấy mang theo.

Dòng sông một thời bi tráng ảnh 3 Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Thị Thủy

Sau lần đó ít lâu, đồn Tân Lệ bị ta tấn công, xóa sổ. Anh Thống chuyển sang hoạt động địa bàn khác. Chị tôi cũng nhận nhiệm vụ mới vào thị xã Quảng Trị hoạt động trong mạng lưới đặc tình của Ban An ninh thị xã Quảng – Hà (Quảng Trị, Đông Hà).

Một cuộc chia ly dài bất tận để rồi anh chị không bao giờ được gặp lại nhau. Chị tôi đã hy sinh trong “Mùa hè đỏ lửa” tháng 5-1972, lúc tuổi mới vừa tròn 23. Ở tuổi đẹp nhất thời con gái, chị ra đi mãi mãi trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, người thương, bạn bè, đồng chí... 

Tổ quốc ghi công và truy tặng chị Huân chương Kháng chiến hạng ba.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ký ức tự hào về người chị yêu dấu đã dâng hiến cả thời thanh xuân cho quê hương, đất nước vẫn luôn hiện diện ở trong tôi.


(*) “Chồ” là tiếng điạ phương, là một hình khối chừng 7-8m3 được đóng bằng khung gỗ to chắc chắn để giữa nhà dưới; sàn gỗ dày, vách chình bằng đất sét trộn rơm, có 1 cửa lùa bằng 3 tấm ván. “Chồ” rất kín, dùng làm kho đựng nông sản sau thu hoạch. 

Tin cùng chuyên mục