Dòng nhạc phản kháng trở lại

Ít ai có thể ngờ rằng dòng nhạc phản kháng lại đang được hồi sinh sau phong trào phản kháng quy mô đang lan nhanh trên thế giới với tốc độ chưa hề suy giảm nhằm phản đối nạn kỳ thị sắc tộc sau cái chết bi thảm của công dân da màu George Floyd do bị cảnh sát bang Minnesota, Mỹ ghì cổ.
Dòng nhạc phản kháng trở lại

Cuộc biểu tình phản đối sắc tộc lần này có hai điều đánh dấu sự khác biệt nổi bật với các cuộc biểu tình phản đối bất công xã hội trước đây. Đó là tốc độ lan truyền nhanh chưa từng thấy trên các phương tiện truyền thông xã hội và sự tham gia của các thành phần đa sắc tộc, đa thế hệ. Kể từ ngày 25-5-2020 đến nay, song song với các cuộc biểu tình bùng lên khắp nước Mỹ, các bài hát phản kháng ra đời nhiều thập niên trước đã được người biểu tình sử dụng làm nguồn cảm hứng để vận động biểu tình và giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn chồng khó khăn vì dịch Covid-19 này.

Một tháng qua trên khắp nước Mỹ, các bài hát của phong trào đòi dân quyền như We Shall Not Be Moved (Mavis Staples), People Get Ready (The Impressions), Mississippi Goddam (Nina Simone), The Times They Are A Changin’ (Bob Dylan), Freedom Highway (Staples) và A Change Is Gonna Come (Sam Cooke) vang lên trên khắp mọi nẻo đường, nơi các cuộc tuần hành ôn hòa đi qua.

Những ca khúc phản kháng có ca từ đơn giản nhất, nhưng cũng để lại ấn tượng sâu sắc nhất và tạo ra những dòng cảm xúc rất mãnh liệt. Người ta còn nghe thấy cả những bài phúc âm trong “dòng nhạc phản kháng” này, như bài Take My Hand, Precious Lord của mục sư Martin Luther King Jr, cũng như những bài hát của ca sĩ dân ca Woodie Guthrie và Pete Seeger.

Các nhạc sĩ và nhà làm phim đang thất nghiệp vì dịch Covid-19 lại trở nên bận rộn, góp vào dòng sự kiện này với các bài hát và video mới. Có một bài phúc âm chỉ kéo dài 50 giây đã lan truyền, trong đó, Keedron Bryant, 12 tuổi, đã hát lại sáng tác của mẹ mình, I Just Wanna Live, rất cảm động. Nhiều phiên bản cover của các bài hát phản kháng cũ đã liên tục được tung ra và gây nhiều hiệu ứng mạnh từ đám đông.

Trong phong trào dùng âm nhạc để phản kháng, cũng đã xuất hiện những bài “rap chính trị”, trong đó nhạc sĩ Scott-Heron tiên phong dòng này với những bài rap như We Almost Lost DetroitWhitey On The Moon. Anh cũng là nhạc sĩ đầu tiên sử dụng nhạc soul và R&B để truyền tải một thông điệp, một truyền thống mà chỉ dành cho những bài hát của Alicia Keys and HER.

Một bản nhạc rap khác cũng đã được chọn để truyền cảm hứng trong dòng chảy này là Walking In The Snow của Run The Jewels, được thu âm vào năm ngoái. Đồng hành là các bài truyền cảm hứng Get Up, Stand Up của Bob Marley và Lean On Me của Bill Withers đã trở thành những bài hát phản kháng được yêu thích nhất. Các ngôi sao lớn cũng không thể đứng ngoài cuộc phong trào này. Ca sĩ Beyoncé vừa phát hành Black Parade (ảnh) vào ngày Juneteenth - ngày lễ kỷ niệm vốn được người gốc Phi tổ chức để đánh dấu xóa bỏ chế độ nô lệ tại Mỹ. Và Alicia Keys đã phát hành một đĩa đơn Perfect Way To Die, nói về nỗi đau của một người mẹ mất con.

Sau tất cả, những khúc ca phản kháng không chỉ được cất lên một lần, hay trong một giai đoạn, mà sẽ còn vang lên ở bất cứ nơi nào đang có xung đột, thể hiện sự đồng lòng phản đối những điều vô lý và phi nghĩa. Cuộc biểu tình sắc tộc chưa biết khi nào lắng dịu. Nỗi đau của người da màu chưa biết khi nào nguôi ngoai nhưng lời ca, tiếng hát được cất lên thì ít nhiều cũng sẽ lấn át được bạo động, vũ lực.

Tin cùng chuyên mục