Đông Nam Á phản ứng nhanh với làn sóng Covid-19 mới

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với biến chủng có tốc độ lây lan chóng mặt, các nước Đông Nam Á lập tức đưa ra các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh đồng thời đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine cho toàn dân.
Tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 12-5. Ảnh: THX
Tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 12-5. Ảnh: THX

Tập trung ứng phó

Nhà chức trách Malaysia đã tái áp đặt lệnh hạn chế di chuyển (MCO) trong 3 tuần, từ ngày 12-5, nhằm ngăn chặn đà lây lan dịch Covid-19. So với 2 tuần trước, số ca phải điều trị tích cực ở Malaysia đã tăng 46%. Hiện các phòng điều trị tích cực cho bệnh nhân đang quá tải và các bệnh viện đã phải chuyển đổi một số khu vực như các phòng khám đa khoa thành phòng điều trị tích cực. 

Chính phủ Thái Lan trước đây đặt mục tiêu mua 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 50 triệu người trong tổng dân số khoảng 70 triệu người dân nhằm tạo khả năng miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết, quốc gia này sẽ đặt mua tổng cộng khoảng 200 triệu liều vaccine để chuẩn bị cho những trường hợp khẩn cấp khó lường khi đại dịch còn đang tiếp tục hoành hành nhiều nước. 

Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia, nước này sẽ tăng cường chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 sau kỳ nghỉ lễ xả chay Eid Al-Fitr của người Hồi giáo, với mục tiêu tiêm 1 triệu liều/ngày. Indonesia đặt mục tiêu tiêm phòng cho ít nhất 181,5 triệu người trong một năm nhằm đạt khả năng miễn dịch cộng đồng. Quốc gia này đã đặt hàng tổng cộng 426 triệu liều vaccine với nhiều hãng dược phẩm quốc tế, trong đó có Sinovac, AstraZeneca, Pfizer và Novavax.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire thì hiện nay, Philippines đã tiêm tổng cộng hơn 1,9 triệu liều vaccine Covid-19 trên tổng số hơn 110 triệu dân. Những người được tiêm chủ yếu là các nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi và người có bệnh nền. Chính phủ Philippines có kế hoạch tiêm 70 triệu người dân trong năm nay để đạt miễn dịch cộng đồng.

Vaccine hiệu quả với biến chủng

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) tin rằng, các loại vaccine Covid-19 được phê chuẩn tại châu Âu có thể kháng lại biến thể virus SARS-CoV-2 từ Ấn Độ. Người phụ trách chiến lược vaccine của EMA Marco Cavaleri thông báo, những dữ liệu được phân tích cho thấy vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna có hiệu quả phòng bệnh “ít nhất là ở mức độ đủ bảo vệ cơ thể người trước biến thể mới từ Ấn Độ”. 

EMA cũng hy vọng 2 loại vaccine khác đã được phê duyệt ở Liên minh châu Âu (EU) là Oxford/AstraZeneca và Johnson & Johnson có hiệu quả với biến thể này. Hiện EMA đang thu thập thêm bằng chứng từ Ấn Độ - quốc gia đang sử dụng vaccine Oxford/AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng. 4 loại vaccine được cấp phép sử dụng tại EU hiện nay gồm Pfizer/BioNTech và Moderna - sử dụng công nghệ mRNA, và của AstraZeneca và Johnson & Johnson - sử dụng công nghệ vector virus. 

Bộ Y tế Cuba thông báo triển khai chiến dịch tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 cho nhân viên y tế, sinh viên y khoa và người trên 60 tuổi, trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu 2 loại vaccine Abdala và Soberana 02 do nước này phát triển và bào chế. Trong 2 ngày đầu tiên của chiến dịch, khoảng 70.000 người đã được tiêm. Trước đó, giới chức y tế Cuba đã bày tỏ hy vọng một trong 2 vaccine nói trên sẽ được cấp phép sử dụng trong tháng 6, sau khi kết thúc giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng.

Tin cùng chuyên mục