Đông Nam Á lựa chọn “mở cửa”

Trong bối cảnh các nước trên thế giới từng bước mở cửa với mục tiêu sống chung an toàn với đại dịch Covid-19, các nước Đông Nam Á có cách tiếp cận khác nhau để nỗ lực cứu ngành du lịch, vực dậy kinh tế.
Poster chương trình kêu gọi du lịch tại chỗ ở Hồng Công
Poster chương trình kêu gọi du lịch tại chỗ ở Hồng Công

Thái Lan dự kiến mở cửa Bangkok, Chiang Mai, các khu nghỉ mát ở Pattaya, Cha-Am và Hua Hin kể từ ngày 1-10. Kế hoạch này có thể xem như sự mở rộng mô hình từng áp dụng ở Phuket, với sáng kiến đưa những du khách đã tiêm chủng tới đây nghỉ dưỡng.

Theo Bangkok Post, các địa điểm khác bao gồm Chiang Rai, Koh Chang và Koh Kood cũng có thể mở cửa hoàn toàn cho du khách từ giữa tháng 10. Để bỏ yêu cầu cách ly khi tới Thái Lan đối với du khách đã tiêm chủng, nước này đặt tiêu chí tỷ lệ tiêm phòng đầy đủ ở địa phương phải là 70%. Đảo du lịch Phuket là nơi đầu tiên ở Thái Lan đã đáp ứng tiêu chí nêu trên và đã mở cửa từ tháng 7. Chương trình này cũng lan rộng ra các đảo và bãi biển lân cận.

Theo tờ Business Times, Chính phủ Malaysia đang theo đuổi kế hoạch hồi sinh ngành du lịch tương tự như chương trình hộp cát Phuket của nước láng giềng Thái Lan. Nhà chức trách thông báo, kể từ ngày 16-9, các khách sạn và công viên giải trí theo chủ đề tại Langkawi sẽ được phép mở cửa trở lại. Các hoạt động trên bãi biển cũng sẽ được khôi phục như trước kia.
Bộ trưởng Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Nancy Shukri cho biết, Langkawi có mạng lưới chuyến bay nội địa và quốc tế phong phú cùng cơ sở hạ tầng, dịch vụ đa dạng dành cho du khách. Hòn đảo nằm ở Tây Bắc đất nước cũng nổi tiếng về các bãi biển đẹp và hàng miễn thuế. 
Các doanh nghiệp và tư nhân làm du lịch ở Langkawi đang gấp rút chuẩn bị cho ngày tái mở cửa sắp tới, đặc biệt là dịch vụ cho thuê xe hơi và nhà gỗ địa phương. Theo kế hoạch thử nghiệm, các phà chuyên chở khách chỉ được phép hoạt động tối đa 50% công suất với số lượt giới hạn trong một ngày. Các hội nghị, hội thảo và triển lãm tạm thời vẫn bị cấm. Giới chức Malaysia cũng xây dựng các quy định cụ thể với những du khách được phép đến Langkawi, song về cơ bản đó sẽ là công dân đã tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ. Các du khách nội địa sẽ không phải cách ly khi đến đảo, nhưng cần có giấy phép của cảnh sát trước khi đến đây và nhà chức trách sẽ thường xuyên kiểm tra giấy chứng nhận tiêm chủng của họ.
Các nước như Singapore, Indonesia, Philippines… cũng đang điều chỉnh chính sách mở cửa du lịch, vì đây là cách tốt nhất để bảo vệ sinh mạng người dân, đồng thời cứu nền kinh tế khỏi tình trạng lao dốc kéo dài.

Không chỉ Đông Nam Á, chính quyền đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) vừa thông báo chính thức thực hiện chương trình “Dễ dàng đến Hồng Công” từ hôm nay, 15-9, để khôi phục kinh tế và thúc đẩy du lịch. Theo chương trình này, tối đa mỗi ngày có 2.000 người không phải là cư dân Hồng Công sẽ từ Trung Quốc đại lục hoặc vùng lãnh thổ Macau đến Hồng Công qua cửa khẩu vịnh Thâm Quyến hoặc cầu nối Hồng Công - Chu Hải - Macau mà không cần phải cách ly 14 ngày. 

Mặt khác, để duy trì tiếp xúc với quốc tế, Cục Du lịch Hồng Công đã triển khai trải nghiệm thực tế ảo “360 Khoảnh khắc Hồng Công” nhằm tiếp tục củng cố hình ảnh thương hiệu điểm đến du lịch, đồng thời đảm bảo rằng trước khi hình thành các “bong bóng du lịch” khác, Hồng Công vẫn có thể là điểm đến du lịch ưa thích của du khách từ khắp nơi.

Các công ty du lịch của Hồng Công cũng đã có những biện pháp tích cực để thúc đẩy hoạt động kinh doanh phục hồi. Nổi bật có dịch vụ Staycation (du lịch tại chỗ) của công ty Klook với các gói lưu trú bao gồm phòng khách sạn, ăn uống, spa và dịch vụ khác. Trong khoảng thời gian nghỉ hè từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, các khách sạn hạng sang từ 4 sao trở lên, hay các khu nghỉ dưỡng, dịch vụ cắm trại vào cuối tuần gần như kín chỗ. Trong quý 4-2020, Klook đã ghi nhận mức tăng doanh số gấp 3 lần so với quý trước, trong đó Staycation có đóng góp lớn nhất.

Tin cùng chuyên mục