Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư

Căng thẳng địa chính trị trên khắp thế giới đang leo thang, nhưng theo nhiều ngân hàng hàng đầu tại Phố Wall, các thị trường Đông Nam Á có thể mang lại sự an toàn cho nhà đầu tư. Trong đó, Việt Nam là một trong ba thị trường an toàn nhất khu vực.
Chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn ổn định bất chấp đại dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg
Chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn ổn định bất chấp đại dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg

3 thị trường nổi bật

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNBC (Mỹ) mới đây, ông Desmond Loh, Giám đốc danh mục đầu tư tại JPMorgan Asset Management, nhận định, Việt Nam là “ngôi sao trong những năm vừa qua” về khả năng hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Ông nhấn mạnh Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới có tốc độ tăng trưởng tích cực trong suốt giai đoạn đại dịch Covid-19.

JPMorgan Asset Management cũng đặt niềm tin vào khu vực tư nhân và cả các ngân hàng quốc doanh Indonesia, vì họ chủ động thúc đẩy việc áp dụng công nghệ số để tăng tốc độ thâm nhập vào lĩnh vực tài chính. Căng thẳng Nga - Ukraine giúp xuất khẩu của Indonesia tăng và cán cân thương mại nước này hưởng lợi, dẫn tới đồng rupiah tăng giá trị và thúc đẩy triển vọng tăng trưởng ngắn hạn ở Indonesia. Singapore cũng được Goldman Sachs đánh giá cao.

Timothy Moe, trưởng nhóm chiến lược gia thị trường chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Goldman Sachs, cho hay, có 3 lý do chính khiến ngân hàng đầu tư này ưa thích Indonesia và Singapore là đà tăng trưởng kinh tế được cải thiện sau thời kỳ đại dịch, ngành ngân hàng đóng góp tỷ trọng lớn trong các chỉ số chứng khoán và được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất tăng.

Lợi thế cho xuất khẩu

Liên quan đến triển vọng của nền kinh tế kỹ thuật số, báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi tháng 3 nhận định, là một nền kinh tế năng động trong khu vực Đông Nam Á, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt tốc độ tăng trưởng 6,5%-7,0% vào năm 2022 và cao hơn nữa. Đà phục hồi này được hỗ trợ bởi xu hướng phục hồi kinh tế toàn cầu bền vững hơn, tỷ lệ tiêm chủng cao và các động lực trong nước như chuyển đổi kỹ thuật số.

Tháng trước, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố, nước này đặt mục tiêu có 20 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia vào thương mại điện tử trong năm 2022; dự kiến sẽ tăng lên 24 triệu vào năm 2023 và 30 triệu vào năm 2024. Còn nền kinh tế Malaysia dự kiến sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm nay nhờ sự phục hồi nhu cầu nội địa và mở rộng xuất khẩu. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 5-4, lĩnh vực xuất khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Malaysia, đặc biệt là các mặt hàng điện - điện tử và găng tay y tế.

Giới phân tích cho rằng, khu vực Đông Nam Á ít bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị ở châu Âu, vì Nga và Ukraine chỉ chiếm chưa đến 1% hoạt động xuất khẩu của khu vực này. Nguy cơ địa chính trị leo thang đã khiến giá hàng hóa giảm dần trong ngắn hạn, từ đó càng củng cố lợi thế của các thị trường xuất khẩu hàng hóa ở ASEAN.

Tin cùng chuyên mục