Đông Nam Á đối mặt nỗi lo lạm phát

Theo báo Nikkei Asian Review, trong thời kỳ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, Đông Nam Á đang đối mặt với nỗi lo lạm phát. Nếu không thể kiểm soát kịp thời, các ngân hàng trung ương của khu vực này buộc phải cân nhắc kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.
Người tiêu dùng Thái Lan chọn thực phẩm tại siêu thị
Người tiêu dùng Thái Lan chọn thực phẩm tại siêu thị

Lạm phát là rủi ro hàng đầu 

Tại Singapore, nỗi lo về giá cả leo thang thể hiện rõ trong cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương hồi tháng 2-2022. Khi đó, khoảng 94% chuyên gia kinh tế được hỏi cho rằng lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với nền kinh tế, tăng so với mức 56% trong cuộc thăm dò vào tháng 12-2021. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Singapore trong tháng 2 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, với tốc độ nhanh nhất trong vòng 9 năm, do chi phí vận tải của khu vực tư nhân tăng mạnh. Trong khi đó, giá điện và khí đốt cũng tăng 16,7%. Để đối phó với giá cả tăng, Chính phủ Singapore dự kiến sẽ thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ vào tháng 4. Ngân hàng trung ương của Singapore đã thắt chặt chính sách trong tháng 10-2021 và tháng 1-2022.

Cũng trong tháng 2, CPI của Thái Lan đã tăng 5,28%. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 13 năm, tăng cao hơn so với mức 3,23% trong tháng 1. Thịt, cá và các loại thực phẩm đắt đỏ hơn đã ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình. 

Tỷ lệ lạm phát tại Lào trong tháng 2-2022 tăng lên mức 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất được ghi nhận kể từ tháng 1-2016. Giá nhiên liệu tại Lào từ đầu năm đến nay đã tăng gấp 6 lần, tác động lớn đến lạm phát. Chính phủ Lào đang tiến hành các bước nhằm kích thích sản xuất để giảm nhập khẩu, đồng thời kiểm soát giá nhiên liệu nhằm giảm tác động đối với nền kinh tế và người dân. Chính phủ đã quyết định giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 7% trong năm nay và giảm dự trữ nhiên liệu.

Mức lạm phát của Philippines ở mức 3%, thấp hơn dự báo là 3,2%. Để đối phó với nguy cơ lạm phát, Chính phủ Philippines chi 3 tỷ peso (57.700 USD) để trợ cấp nhiên liệu cho một số đối tượng thuộc diện cần hỗ trợ. Malaysia và Indonesia chưa ghi nhận mức lạm phát tăng đột biến. Do đó, các ngân hàng trung ương Malaysia và Indonesia chưa có kế hoạch thay đổi chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, có suy đoán rằng các ngân hàng có thể tăng thời gian biểu tùy thuộc vào tốc độ tăng giá tiêu dùng và tốc độ tăng lãi suất của các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. 

Hạ triển vọng tăng trưởng 

Triển vọng phục hồi của các nền kinh tế trong khu vực có dấu hiệu giảm tốc. Tổ chức S&P Global (Mỹ) hạ dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á từ mức 5,6% xuống còn 5% do nhu cầu toàn cầu giảm, căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Dù đánh giá thấp mức độ tiếp xúc kinh tế của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Nga và Ukraine, nhưng giới phân tích vẫn cảnh báo rằng một cuộc xung đột kéo dài gây tổn hại đến Liên minh châu Âu (EU) sẽ có tác động lan tỏa, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực từ thương mại đến du lịch ở khu vực này. 

Báo cáo của Maybank (Malaysia) nhận định một cuộc suy thoái ở châu Âu sẽ tác động lớn đến xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng của ASEAN. EU hiện chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu của ASEAN. Theo Maybank, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ EU đang chiếm 11% tổng vốn đầu tư của ASEAN.

Dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore trong năm nay cũng bị giảm từ mức 3,8% xuống còn 2,8%. Do Nga và Ukraine là các nước xuất khẩu lúa mì lớn, Indonesia và Philippines sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc về nguồn cung lúa mì. 

Đối với Philippines, giá dầu cao hơn có thể làm tổn hại đến cán cân thương mại của nước này, khiến tăng trưởng GDP giảm 1,4%, gây áp lực đối với thâm hụt thương mại đang ở mức kỷ lục. Philippines bị hạ dự báo tăng trưởng nhiều nhất khi giảm 0,9% xuống còn 6,5%.

Tin cùng chuyên mục