Đông Nam Á đầu tư mạnh vào năng lượng xanh

Indonesia chuẩn bị khởi công dự án điện Mặt trời nổi 145 megawatt (MW), lớn nhất ở Đông Nam Á. Nhiều nước khác trong khu vực cũng đang tập trung đầu tư vào các loại hình năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu khí thải gây biến đổi khí hậu.
Một nhà máy điện năng lượng Mặt trời ở Malaysia
Một nhà máy điện năng lượng Mặt trời ở Malaysia

Chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo đã được các nhà hoạch định chính sách và nhà đầu tư trong khối ASEAN đặt lên hàng đầu trong nhiều năm qua. Để gia tăng công suất năng lượng tái tạo và hồi sinh các nền kinh tế bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, các chính phủ ASEAN đã đề ra một kế hoạch bền vững 5 năm đầy tham vọng trong giai đoạn 2 của Kế hoạch Hành động ASEAN về Hợp tác Năng lượng (APAEC) 2021-2025. Theo đó, các bộ trưởng năng lượng ASEAN đã nhất trí đặt mục tiêu tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm 23% trong tổng nguồn cung năng lượng trong khu vực và 35% trong công suất điện lắp đặt của ASEAN vào năm 2025. Điều này sẽ yêu cầu khoảng 35 - 40 gigawatt (GW) công suất năng lượng tái tạo vào năm 2025.

Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia hiện chiếm 84% tổng công suất năng lượng tái tạo được lắp đặt trong số các nước Đông Nam Á. Việt Nam dẫn đầu về năng lượng tái tạo với 34% thị phần, tiếp theo là Thái Lan (17%), Indonesia (13%), Malaysia (10%) và Philippines (10%). Việt Nam được dự báo sẽ dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với hơn 13GW điện tái tạo trong 5 năm tới, trong đó điện Mặt trời và thủy điện dự kiến sẽ hỗ trợ phần lớn quá trình chuyển đổi này với khoảng 70% thị phần của công suất điện tái tạo được xây dựng trong giai đoạn 2020-2025. Theo sau là điện gió với khoảng 17% thị phần và năng lượng sinh học với khoảng 11%. 

Năm 2020, tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo của Singapore giảm sút; dự báo lĩnh vực năng lượng tái tạo của nước này sẽ phục hồi vào năm 2021, nhờ sự tập trung của chính phủ vào các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo. Chính phủ Singapore có kế hoạch tăng tổng công suất năng lượng Mặt trời từ 350MW vào năm 2020 lên 2GW vào năm 2030 và 5GW vào năm 2050. 

Tại Indonesia, dự án điện Mặt trời có thể xem là lớn nhất Đông Nam Á vừa được ký kết và chuẩn bị thi công trong năm nay. Dự án do Công ty điện lực nhà nước Indonesia Perusahaan Listrik Negara (PLN) và Tập đoàn Masdar của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất hợp tác thực hiện. Nhà máy điện Mặt trời nổi trên biển mang tên Cirata đặt tại tỉnh Tây Java, dự kiến bắt đầu vận hành thương mại vào tháng 11-2022. PLN cho biết sẽ đóng cửa dần các nhà máy nhiệt điện chạy than - hiện chiếm khoảng 60% nhu cầu năng lượng của Indonesia. Theo Bộ Năng lượng Indonesia, khoảng một nửa tiềm năng năng lượng tái tạo ước tính 417GW của Indonesia có thể thu được từ năng lượng Mặt trời. Tuy nhiên, hiện tại, Indonesia chỉ khai thác chưa đến 0,1% tiềm năng đó. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Indonesia là quốc gia đông dân nhất trong khu vực với dân số trẻ, tài nguyên thiên nhiên dồi dào và có tiềm năng năng lượng tái tạo lớn chưa được khai thác tốt. Indonesia đặt mục tiêu đạt 23% năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2025, và chính phủ nước này cho biết sẽ cố gắng đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.  

Nước láng giềng của Indonesia là Malaysia cũng không muốn chậm chân trong lĩnh vực này. Tại Malaysia, chương trình năng lượng Mặt trời quy mô lớn không chỉ mang lại cho quốc gia này công suất điện Mặt trời cao mà còn thu hút đầu tư từ các tập đoàn phát triển năng lượng Mặt trời quốc tế có kinh nghiệm. Một trong số đó là Solarpack của Tây Ban Nha. Javier Arellano, người đứng đầu bộ phận phát triển tại Solarpack, cho biết công ty chọn Malaysia là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á để đầu tư dài hạn. Thị trường tự do hơn cũng là một lợi thế của Malaysia so với các nước trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục