Đồng Nai xây dựng nông thôn mới nâng cao

Đồng Nai hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), được xem là điểm sáng của cả nước trong công cuộc xây dựng NTM.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Hưng Thịnh, Trảng Bom, đem lại thu nhập cao cho người dân
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại xã Hưng Thịnh, Trảng Bom, đem lại thu nhập cao cho người dân

Chìa khóa mang đến sự thành công của Đồng Nai là sự đồng lòng, chung sức giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, bắt nguồn từ những chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân.

Xây dựng NTM “bốn có”

Trước đây, phần lớn những tuyến đường giao thông trên địa bàn xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc là đường đất nên không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt mà còn cả các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Năm 2008, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn “bốn có” theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai với 4 tiêu chí lớn và 33 tiểu tiêu chí (TTC) gồm: Có đời sống kinh tế được cải thiện (9 TTC); có đời sống văn hóa tốt (14 TTC); có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tốt (5 TTC); có môi trường sinh thái tốt (5 TTC), xã Xuân Định đã lấy việc phát triển hệ thống giao thông làm bàn đạp phát triển kinh tế - xã hội. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, chỉ một năm sau, 70% số tuyến đường giao thông trên địa bàn xã đã được đổ nhựa và bê tông hóa. “Chính quyền làm công khai, mang lại lợi ích thiết thực nên người dân hưởng ứng thôi. Có đường mới, sạch, đẹp, chúng tôi cũng là người được hưởng lợi”, ông Nguyễn Đình Đạo, ngụ ấp Bảo Định, người đã hiến 1.000m2 đất cho xã làm đường, nói.

Đi đôi với việc xây dựng hệ thống giao thông, xã Xuân Định cũng tập trung vào việc thay đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập cho người nông dân như, chuyển 420ha cà phê già cỗi sang trồng các loại cây trái có giá trị cao; hình thành những vùng chuyên canh nhằm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản lượng lớn, chất lượng đồng đều, giúp khâu tiêu thụ thuận lợi. Đời sống được nâng cao, người dân càng hăng hái góp sức, góp của xây dựng nông thôn “bốn có”. Thành công của Xuân Định đã giúp Xuân Lộc trở thành huyện đầu tiên của cả nước được công nhân đạt chuẩn NTM vào ngày 24-1-2015.

 Đến nay, sau 7 năm thực hiện, Đồng Nai là địa phương dẫn đầu cả nước với 119/133 xã, 6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM. Tính đến cuối năm 2016, tổng vốn đầu tư cho xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đạt hơn 37.500 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do người dân và các doanh nghiệp đóng góp là gần 12.000 tỷ đồng. Đồng Nai cũng là địa phương duy nhất có 6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn với tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM cao gấp 2,9 lần so với bình quân chung của cả nước với 18,5 tiêu chí, cao hơn 4,6 tiêu chí/xã so với bình quân chung của cả nước. 

Hướng tới xây dựng NTM bền vững

Năm 2014, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Ngay sau đó, Hưng Lộc đã đăng ký thực hiện xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí của tỉnh. Là một xã thuần nông, Hưng Lộc có 41 tuyến đường trục chính nội đồng với chiều dài gần 50km. Theo bộ tiêu chí NTM nâng cao, xã phải thực hiện nhựa hóa hoặc bê tông hóa khoảng 25km. 

Tuy nhiên, cái khó trong việc thực hiện tiêu chí này là dân cư còn phân tán, chưa tập trung, do đó việc huy động nguồn đóng góp từ người dân rất khó khăn. Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, cùng với việc huy động nguồn lực hợp lý từ dân, Hưng Lộc đã tiến hành tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng như các mạnh thường quân góp sức cùng thực hiện. Nhờ đó, đến cuối năm 2016, hơn 50% các tuyến đường giao thông nội đồng trên địa bàn xã đã được bê tông hoặc nhựa hóa. Ngoài ra, xã Hưng Lộc cũng cử cán bộ tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia mua bảo hiểm y tế, một trong những “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao và đến cuối năm 2016, hơn 90% người dân trong xã đã tham gia mua bảo hiểm y tế. Tháo được 2 “nút thắt” quan trọng, cuối năm 2016, Hưng Lộc chính thức được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Phú Cường, Đồng Nai đã xác định xây dựng NTM không dừng lại ở các tiêu chí đạt được và đó chỉ là bước khởi đầu trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Từ mục tiêu đó, Đồng Nai là một trong số ít địa phương trong cả nước đã ban hành bộ tiêu chí NTM nâng cao làm cơ sở để các địa phương tiếp tục giữ vững, duy trì và nâng các tiêu chí đã đạt được. Đến nay, sau gần 2 năm thực hiện, 7 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí của tỉnh.

Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh sẽ tăng lên 59 triệu đồng, trở thành tỉnh NTM với 80% đơn vị cấp huyện và 80% đơn vị cấp xã được công nhận. Trong đó, 15% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao theo bộ tiêu chí của tỉnh với 4 mục tiêu: đời sống thu nhập của người nông dân ngày càng cao hơn; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại hơn; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, bảo tồn, phát huy tốt hơn các giá trị truyền thống ở nông thôn, an ninh, an toàn, an sinh xã hội ở nông thôn ngày càng tốt hơn; bảo đảm môi trường sinh thái, phát triển đa dạng và bền vững hơn.

Tin cùng chuyên mục