Động lực từ chính sách

Trong bối cảnh doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ồ ạt vào Việt Nam, doanh nghiệp trong nước đang phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, họ hoàn toàn tự tin có thể cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại.

Vấn đề là cơ quan chức năng cần tháo gỡ nhanh những chính sách bất cập đang “trói tay” doanh nghiệp Việt. 

Điển hình nhất là chính sách áp thuế với sản phẩm trang thiết bị, máy móc, nguyên phụ liệu sản xuất ngành cơ khí, chế tạo. Theo đó, hiện nay nếu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhập khẩu máy móc nguyên chiếc sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi 0%. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước nhập khẩu nguyên liệu, trang thiết bị sản xuất, chế tạo máy móc thì phải chịu mức thuế từ 5% đến 20% - một mức thuế rất cao, đủ để sản phẩm máy móc chế tạo trong nước không thể cạnh tranh về giá thành với máy móc ngoại nhập.

Chưa kể, tâm lý ưa chuộng hàng ngoại nhập của người tiêu dùng trong nước góp phần gây khó cho sản phẩm nội. Theo nhiều doanh nghiệp, để có thể tăng thị phần tiêu thụ máy móc “made in Vietnam”, nhiều doanh nghiệp đã phải đi đường vòng theo kiểu: sản xuất trong nước, chuyển sang xuất khẩu nước ngoài rồi nhập lại về để phân phối trong nước. Cách vòng vèo này tuy làm gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, nhưng ngược lại đổi lấy lòng tin của người tiêu dùng trong nước. 

Về phía Bộ Công thương cũng khẳng định, ngành cơ khí đang phải cạnh tranh tương đối gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Thị trường xuất khẩu khiêm tốn do năng lực cạnh tranh thấp. Riêng ở thị trường trong nước, cơ hội để doanh nghiệp tham gia vào các dự án đầu tư công, dự án của doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất trong nước… cũng rất hạn chế. Nguyên nhân là do thiếu chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế và giá thành cao. 

Trước những bất cập trên, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh sự bất hợp lý trong việc áp mức thuế nhập khẩu trên, tạo điều kiện để doanh nghiệp nội phát triển. Bởi, đã gần 20 năm kiến nghị này chưa được tháo gỡ.

Mặt khác, cần có thêm nhiều hoạt động phát triển thương hiệu cho sản phẩm nội, kết hợp tăng tỷ lệ hàng nội trong hoạt động mua sắm công. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để cũng cố niềm tin của người tiêu dùng nội địa với sản phẩm sản xuất trong nước, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chắc chân thị trường nội địa và vươn rộng thị trường xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục