Động lực mới từ Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư

Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Hoa Lư với hơn 28.364ha tại huyện biên giới Lộc Ninh, tiếp giáp nước bạn Campuchia là động lực phát triển mới của một vùng kinh tế năng động của tỉnh Bình Phước. Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông và tuyến đường sắt xuyên Á, kỳ vọng thời gian tới, sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư thực hiện dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh biên giới.
Thi công nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, đoạn thị trấn Lộc Ninh - cửa khẩu Hoa Lư. Ảnh: VĂN PHONG
Thi công nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, đoạn thị trấn Lộc Ninh - cửa khẩu Hoa Lư. Ảnh: VĂN PHONG

Thu hút nhiều nhà đầu tư

Với chủ trương xây dựng KKTCK Hoa Lư trở thành khu vực thu hút các nhà đầu tư, từ giữa năm 2019, UBND tỉnh Bình Phước tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối KKTCK Hoa Lư với Campuchia và các khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, TPHCM. Đó là Cảng cạn ICD Hoa Lư có diện tích 25ha, công suất 600.000 - 900.000 container/năm, là nơi tập kết hàng hóa nhập khẩu bằng container từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan vào Việt Nam và xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước. Đến tháng 9-2020, UBND tỉnh Bình Phước tiếp tục nâng cấp, mở rộng QL13 đoạn từ ngã 3 Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh) đi Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư dài 12,5km với vốn đầu tư 450 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối thông thương tốt hơn với Campuchia và các khu vực lân cận đã khơi dậy tiềm năng của KKTCK Hoa Lư.

Tính đến thời điểm này, KKTCK Hoa Lư đã thu hút được 83 nhà đầu tư thực hiện các dự án, với tổng diện tích khoảng 1.719ha; trong đó, có 38 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong số này, có 3 nhà đầu tư được giao đất đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) với 1.129ha và 8 nhà đầu tư thứ cấp với khoảng 590ha. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Ban quản lý  KKT đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án thứ cấp, trong đó có 4 dự án nước ngoài (vốn đầu tư 6,66 triệu USD) và 22 dự án trong nước (vốn đầu 995,77 tỷ đồng). Đáng chú ý, Ban quản lý KKT chấp thuận cho Công ty cổ phần quốc tế Lê Đại Nam thuê 223,26ha, cấp giấy chứng nhận để đầu tư KCN Ledana với vốn lên tới 1.200 tỷ đồng và cấp chủ trương đầu tư cho 10 dự án với mức đầu tư 340 tỷ đồng. Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện dự án, ngay từ đầu năm 2020, Ban quản lý KKT cũng trình UBND tỉnh Bình Phước xem xét thuận chủ trương cho 17 nhà đầu tư thuế đất với 40ha và đến nay, đã có 8 nhà đầu tư được thuê đất, còn lại đang chờ xem xét. 

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp trong KKTCK Hoa Lư, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (do đơn hàng bị cắt giảm nhiều và nguồn cung nguyên liệu, linh kiện đầu vào phải nhập từ Trung Quốc, các quốc gia khác bị đứt gãy). Sau thời gian tạm ngưng, nay hoạt động xuất nhập khẩu đang dần ổn định trở lại và tính đến đầu tháng 12-2020, kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Hoa Lư đạt 48,15 triệu USD, tăng 60,2% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu qua cửa khẩu đạt 147,58 triệu USD, tăng 1.368,42% so với cùng kỳ, gồm các mặt hàng như: đá granite, mủ cao su, dầu chai... Nhờ đó, KKTCK Hoa Lư đóng góp cho ngân sách của tỉnh là 556,58 tỷ đồng, tăng 2.117,43% so với cùng kỳ năm 2019, giúp tình hình thu ngân sách của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Dù được UBND tỉnh Bình Phước thuê đất nhưng khâu giải phóng mặt bằng tại KKTCK Hoa Lư đang là vấn đề vướng mắc lớn nhất, do quy trình, thủ tục thực hiện phức tạp và người dân thiếu hợp tác. Đáng chú ý, 3 dự án “khủng” là KCN Ledana (425ha), KCN Hoa Lư (404ha), KCN Vcom (300ha) vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời, trong 80 nhà đầu tư thứ cấp đang thực hiện dự án, có tới 29 nhà đầu tư vẫn chưa xong khâu giải phóng mặt bằng với 364ha, làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư. Vướng mắc thứ hai mà các doanh nghiệp đang gặp phải là thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho nhà đầu tư tốn thời gian; việc mở rộng, thành lập mới KCN còn vướng nhiều quy định, thiếu linh hoạt và các vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải còn nhiều hạn chế... Tình trạng vi phạm hành chính tại KKTCK còn diễn ra, trong năm 2020 cơ quan chức năng  đã lập biên bản đối với 30 trường hợp múc đất, xây dựng nhà trái phép trên đất quy hoạch, nhà xây trái phép...

Theo Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Phước Nguyễn Minh Chiến, để xây dựng KKTCK Hoa Lư xứng tầm một KKTCK quốc tế, Ban Quản lý KKT tiếp tục phối hợp với Hội đồng đền bù huyện Lộc Ninh, đẩy mạnh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các dự án được giao đất, trong đó tập trung giải quyết công tác giải tỏa đền bù tại 3 KCN Ledana, Hoa Lư, Vcom và đôn đốc các công ty hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp trong KKTCK Hoa Lư triển khai dự án theo quy định; rà soát các dự án chậm triển khai, kiên quyết tham mưu thu hồi dự án không đủ năng lực thực hiện. Ban Quản lý KKT sẽ có báo cáo tham mưu UBND tỉnh Bình Phước trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chung KKTCK Hoa Lư và có đề xuất đưa thị trấn Lộc Ninh ra khỏi quy hoạch.

Tin cùng chuyên mục