Động lực kinh tế số

Số liệu được Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) mới đưa ra cho thấy, cơ cấu giao dịch thông qua hệ thống NAPAS có sự dịch chuyển từ chuyển mạch ATM (tỷ trọng giao dịch ATM năm 2018 chiếm 62%, năm 2019 giảm còn 42%) sang chuyển mạch thanh toán liên ngân hàng (tỷ trọng giao dịch thanh toán liên ngân hàng năm 2018 từ 26%, năm 2019 tăng lên 48%). 

Xu hướng này thể hiện rõ sự chuyển dịch thói quen của khách hàng từ việc rút tiền qua ATM phục vụ cho việc chi tiêu hàng ngày sang thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng điện tử. Các ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ tài chính, tiêu dùng chính là những nhân tố quan trọng đang định hướng lại thói quen mua sắm, tiêu dùng và góp phần phát triển của kinh tế số ở Việt Nam.

Báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á” ước tính, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD - cao gấp 4 lần so với năm 2015 - và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025. Động lực chính của sự phát triển này đến từ mảng thương mại điện tử với những công ty dẫn dắt thị trường như: Shopee, Tiki, Lazada, Sendo...

Tổng giá trị giao dịch trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 5 tỷ USD trong năm 2019 - cao gấp 12,5 lần mức 400 triệu USD của năm 2015. Còn theo báo cáo “Chỉ số thương mại điện tử năm 2019”, nếu năm 2019 và năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử (bao gồm các loại hình trực tuyến như: bán lẻ, du lịch, tiếp thị, giải trí và mua bán các dịch vụ và sản phẩm số hóa khác) tiếp tục ở mức 30%, thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.

Trong chỉ thị ban hành đầu tiên của năm 2020 - Chỉ thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược “Make in Vietnam” với hàm ý “Doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới”. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp số để phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, ứng dụng thành tựu công nghệ số…

Riêng TPHCM, năm 2019, chỉ số thương mại điện tử tiếp tục dẫn đầu cả nước với điểm tổng hợp là 86,8 điểm (trong đó, hạ tầng nguồn nhân lực và công nghệ thông tin đạt 86,8 điểm; giao dịch giữa Chính phủ với doanh nghiệp (G2B) đạt 84,2 điểm; giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) 87,3 điểm; và giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) với 87,2 điểm). Điểm số của TPHCM cao hơn rất nhiều so với điểm số trung bình trong cả nước (40,3 điểm) và cao hơn gần 60 điểm so với địa phương có điểm xếp hạng thấp nhất là Bắc Kạn (27,4 điểm).

Tại hội nghị tổng kết năm 2019 của Ban Kinh tế Trung ương diễn ra tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta hiện đã có một số trung tâm kinh tế quan trọng trên cả nước, nhưng nhiều vấn đề về quy hoạch phát triển đô thị đang kìm hãm sự phát triển. Hiện nay, ở Việt Nam, đô thị chiếm 35% và kinh nghiệm cho thấy, phát triển đô thị là một động lực tăng trưởng cùng với kinh tế số và những động lực như vậy chưa đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Phát triển kinh tế số được nhiều quốc gia xem như là một xu thế tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế số nhưng quy mô thị trường, khả năng đổi mới sáng tạo còn hạn chế, trình độ phát triển công nghệ mới ở những bước đi đầu tiên… Vì vậy, cần phải xác định lộ trình, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp số trong nước trưởng thành và vươn lên.

TPHCM là nơi có nguồn nhân lực công nghệ thông tin lớn nhất cả nước, với 80% người dân sử dụng smartphone, đây là những tiền đề quan trọng để thí điểm, tiến tới xây dựng mạnh mẽ môi trường phát triển mới: kinh tế số.

Tin cùng chuyên mục