“Đồng Khởi mới” trong phòng chống Covid-19

Bằng sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện “Đồng Khởi mới” trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre quyết tâm cùng với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh sớm đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình thường mới cho người dân; đặc biệt không để ai phải gặp khó khăn do bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Bến Tre
Đoàn công tác của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Bến Tre

“Đồng Khởi mới” chống dịch

Phong trào “Đồng Khởi mới” đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre vận dụng sáng tạo, linh hoạt được ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua, người người thi đua mang lại nhiều kết quả tích cực. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành kế hoạch phát động cao điểm thi đua “Đồng Khởi mới” thực hiện phòng chống dịch Covid-19, để các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị tập trung lãnh đạo tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận, đẩy mạnh phong trào thi đua “Đồng khởi mới” phòng chống dịch, đẩy lùi đại dịch, sớm trở thành “vùng xanh” phát triển kinh tế - xã hội.

Với phương châm “hai chân, ba mũi”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre xác định cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, vận động để cán bộ, nhân dân hiểu đúng - nhận thức đúng - đồng thuận cao - tích cực hưởng ứng thực hiện nghiêm giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị số 16 của Chính phủ. Song, cần tập trung nguồn lực, giải pháp trong kiểm soát mọi đối tượng trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh về địa phương, điều trị có hiệu quả các ca nhiễm, không để lây lan trong cộng đồng. Thực hiện ba mũi cần huy động mọi nguồn lực, bảo đảm cơ sở vật chất, cơ sở cách ly, trang thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng chống, điều trị, đẩy lùi Covid-19; kiểm soát chặt chẽ, quản lý và điều trị có hiệu quả ca nhiễm; tăng cường các giải pháp phối hợp đảm bảo phục vụ hàng hóa thiết yếu đến người dân.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh cho rằng, thời gian qua cả hệ thống chính trị tỉnh đã nỗ lực rất nhiều trong công tác phòng chống dịch và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chúng ta tin rằng với sự nỗ lực, phấn đấu, vào cuộc, trách nhiệm cao nhất của các cấp, các ngành và người dân sẽ thực hiện tốt và đạt hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch bệnh 14 ngày tiếp theo. Đặc biệt là quan tâm công tác tuyên truyền; quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp, tài xế, người ngoài tỉnh về; tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, phải đảm bảo tiêu thụ, cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu đến người dân. Các chính sách cho người nghèo và đối tượng khó khăn phải được quan tâm thực hiện; xác định cơ sở là “pháo đài” trong phòng chống dịch và tổ chức test nhanh đối với lực lượng tại các chốt, địa bàn phức tạp. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh thống nhất thành lập Ban Chỉ huy tiền phương để hỗ trợ huyện Thạnh Phú trong công tác phòng chống dịch.

Đồng lòng vượt qua đại dịch

Dự báo thời gian tới, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của nhân dân, tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội. Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ yêu cầu thực hiện có kết quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa duy trì sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chủ động củng cố, nỗ lực, bảo vệ, xây dựng và mở rộng vùng an toàn dịch bệnh, “vùng xanh” (mức độ bình thường mới) trong thời gian nhanh nhất và mở rộng ra địa bàn toàn tỉnh. Tập trung hỗ trợ cho các “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng” của tỉnh và khu vực. Tổ chức nhiều loại hình cung ứng, lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân và sản xuất thuận lợi, không gây ách tắc, ảnh hưởng đến các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

Đồng chí Lê Đức Thọ nhấn mạnh, chú trọng chăm lo sinh kế cho người dân, tổ chức cung ứng các yếu tố đầu vào cho sản xuất nhất nông nghiệp, tiêu thụ các mặt hàng nông sản, ưu tiên nông sản có sản lượng lớn, đến thời gian thu hoạch. Làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Các địa phương phải nắm chắc tình hình, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, đảm bảo đủ lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm ở khu cách ly, vùng phong tỏa, bám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, áp dụng giải pháp “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ), nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bí thư Lê Đức Thọ yêu cầu trong thực hiện phòng chống dịch Covid-19 phải phân công, quy định rõ ràng trách nhiệm, quyền hạn từng cá nhân, đơn vị; nghiêm túc, triệt để yêu cầu giãn cách xã hội, thường xuyên đánh giá, điểu chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn; bảo đảm duy trì kết quả chắc chắn, bền vững; phát hiện nhanh nguồn bệnh, truy vết hiệu quả, phong tỏa, đẩy lùi tối đa ca nhiễm mới, cố gắng không để bệnh nhân chuyển nặng, giảm tối đa tử vong.

Song song đó, khẩn trương tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Tập huấn cho đội ngũ y tế cơ sở, sử dụng triệt để số vaccine được cấp, bảo đảm tỷ lệ bao phủ tiêm chủng, ưu tiên phân bổ cho các địa phương có dịch diễn biến phức tạp, lực lượng tuyến đầu chống dịch, lực lượng tham gia sản xuất, lưu thông hàng hóa thiết yếu, Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ tình nguyện giúp đỡ người dân.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu tăng cường năng lực điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chủ động các giải pháp phòng chống dịch bảo đảm đủ nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc men phòng chống dịch, đặc biệt là chăm lo, động viên tinh thần, bố trí trang thiết bị phòng hộ, hỗ trợ vật chất chu đáo cho lực lượng tuyến đầu không để các lực lượng này bị lây nhiễm.

Ông Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế Bến Tre thông tin, đến ngày 2-8, ngành y tế tỉnh đã triển khai tiêm vaccine mũi 1 cho 17.771 người; 9.597 người được tiêm mũi 2 nhằm tạo hệ miễn dịch cộng đồng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Tin cùng chuyên mục