Đồng hành học sinh vượt qua mùa dịch

Thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài nên ngoài yêu cầu bổ sung kiến thức, thầy cô giáo ở các trường phổ thông còn quan tâm đến đời sống tình cảm để kịp thời động viên tinh thần học sinh. Bằng nhiều hình thức, trường học ở TPHCM đang nỗ lực đồng hành với học sinh và phụ huynh vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Em Hoàng Hà, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Hồng Ngọc - Ruby school quận Tân Phú đang học trực tuyến tại nhà. Ảnh: HUỲNH NGA
Em Hoàng Hà, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Hồng Ngọc - Ruby school quận Tân Phú đang học trực tuyến tại nhà. Ảnh: HUỲNH NGA

Khi nhiệm vụ không chỉ là việc học…

Cuối tuần qua, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), đã gửi thư ngỏ đến toàn thể phụ huynh trong trường. Mở đầu thư, thầy hiệu trưởng viết: “Tôi kính gửi đến quý phụ huynh lời chúc mạnh khỏe và an toàn! Học kỳ 2 của năm học diễn ra trong hoàn cảnh thật đặc biệt. Dẫu sao đến thời điểm này, đại gia đình của chúng ta đều bình an là điều tuyệt vời nhất”.

Thời điểm này mọi năm bắt đầu “nước rút” hoàn thành năm học để bước vào kỳ nghỉ hè, thì nay trong tình hình dịch bệnh, thầy cô giáo ngậm ngùi trước hình ảnh cổng trường tạm đóng, chỉ được nhìn học sinh qua màn hình máy tính.

Với tinh thần lạc quan nhất, thầy Huỳnh Thanh Phú bày tỏ: “Chúng ta không nên chờ đợi phép mầu “xét đặc cách”, dù kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia diễn ra hoặc giao về cho các địa phương xét tốt nghiệp, thì học sinh vẫn phải hoàn tất chương trình lớp 12 đã được tinh giản theo phương pháp trực tuyến, đảm bảo đủ năng lực tham gia quá trình học tập tiếp theo”.

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, điều quan tâm nhất đối với thầy cô hiện nay là gắng sức soạn bài và hướng dẫn học sinh ôn tập, với mong muốn thầy và trò cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn. Những dòng cuối thư là lời động viên chân thành của thầy Phú: “Dòng thư tay tôi mong quý vị phụ huynh hiểu cho tấm lòng của chúng tôi luôn luôn trân quý, yêu thương học sinh. Và tình cảm ấy sẽ càng lớn mạnh nếu có thêm sự đồng hành của phụ huynh, dành một ít thời gian cùng chúng tôi quan tâm, sâu sát việc học và ôn tập của các em”.

Ngoài ra, thầy Phú cũng nhắn gửi đến học sinh, nhiều ngày ở cùng gia đình, các em hãy trở thành cầu nối giữa các thành viên, tạo ra tiếng cười giúp mọi người xua đi những lo lắng. 

Cùng mong muốn đó, cô Vũ Thị Nga, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS-THPT Đức Trí (quận 7), dành lời động viên học sinh trong những ngày cả nước cùng nhau chống dịch. Cô Nga viết trong bức thư gửi đến học sinh: “… virus Corona đem đến nhiều cuộc chiến và bài học quý giá. Cuộc chiến vật lộn với mưu sinh của hầu hết mọi cá nhân khi đại dịch đảo lộn, ngưng trệ kinh tế. Cuộc chiến giữa cái rất con người - ích kỷ cá nhân với cái cao cả - trách nhiệm cộng đồng”.

Riêng với học sinh của cô, những đứa trẻ được ủ ấp an toàn trong vòng tay gia đình đang phải chiến đấu với… bệnh lười. Càng rảnh rỗi, “virus lười” càng lây lan. Cô Nga đặt cho học trò câu hỏi: “Đến bao giờ con mới chống lại con virus lười to tướng? Đợi đến khi các con đi làm việc, kỳ hạn công việc cận kề, khi nhận được thư cám ơn hay chào tạm biệt từ sếp sẽ hiểu rõ không ai muốn rơi vào hoàn cảnh đó”.

Từ đó cô Nga nhắn nhủ: “Hãy thay đổi từ bây giờ các con ạ. Sáng mai thức dậy, cô mong các con ngoan ngoãn ngồi vào ghế học bài online một cách nghiêm túc, với sách vở bút mực kề bên, với quyết tâm không để virus lười bùng phát, gặm nhấm tuổi thanh xuân của các con…”.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) trong một giờ học online với máy tính trước Tết Nguyên đán 2020


Cơ hội để thầy - trò hiểu nhau hơn

Sau hơn một tháng dạy học trực tuyến, chia sẻ với chúng tôi, cô Bùi Tuyết Nhung, giáo viên một trường THCS ở quận 2, cho biết dạy học trực tuyến giúp cô hiểu rõ hơn về hoàn cảnh sống và mức độ hỗ trợ của phụ huynh đối với việc học của từng học sinh. Có trường hợp học sinh chỉ làm bài tập và nộp cho cô lúc nửa đêm, hỏi ra mới biết em phải chờ ba mẹ làm việc xong mới có thể mượn máy tính làm bài do trong nhà chỉ có 2 laptop.

Trường hợp khác, trong lúc học sinh ngồi học, do bật loa ngoài nên giáo viên nghe thấy cả tiếng người lớn đang trao đổi công việc. Ở góc độ khác, do có lợi thế thời gian không hạn chế như khi ngồi học trên lớp nên sau khi kết thúc bài giảng trực tuyến, học sinh có thể thoải mái đặt câu hỏi bằng cả 2 hình thức là trao đổi trực tiếp qua tai nghe và micro, hoặc gửi câu hỏi cho giáo viên trong cửa sổ trò chuyện. Nhờ đó, giáo viên có thể hiểu rõ hơn những phần kiến thức các em còn thiếu hoặc định hướng suy nghĩ cho phù hợp.

Đặc biệt, đối với học sinh tiểu học, một giáo viên chủ nhiệm lớp 2 Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) nhận định, lượng kiến thức cần chuyển tải đến học sinh không nhiều nên ngoài việc thiết kế bài giảng trực tuyến, cô còn tổ chức nhiều trò chơi tương tác nhằm tăng thêm hứng thú học tập cho học sinh. 

Thời điểm hiện tại, các trường phổ thông đã xây dựng kế hoạch dạy học và tổ chức ôn tập kiến thức cho học sinh phù hợp với nội dung chương trình học kỳ 2 (đã được tinh giản) do Bộ GD-ĐT công bố. Ngoài ra, với học sinh khối 12, đề minh họa kỳ thi THPT quốc gia đã được công bố giúp học sinh và giáo viên có thêm cơ sở phân bố thời gian học tập hợp lý. Đây là một trong những nỗ lực của ngành giáo dục trong việc giảm tải áp lực học hành, thi cử cho học sinh, đồng thời giúp các em có thêm bình tĩnh, tự tin vượt qua giai đoạn học tập khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

NHiện nay, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM, ngoài việc tổ chức dạy học trực tuyến các môn cơ bản như Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, còn mở rộng thêm các đoạn phim ngắn hướng dẫn luyện tập các môn Thể dục, Âm nhạc và Mỹ thuật, nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe và giải trí cho học sinh trong những ngày nghỉ học ở nhà vì dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục