Đông Địa Trung Hải dậy sóng

Sau tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan về việc đưa quân đến Libya theo yêu cầu của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hiệp quốc công nhận ở Tripoli, giới quan sát lo ngại động thái của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Đông Địa Trung Hải.
Máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ được triển khai tại Libya
Máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ được triển khai tại Libya

Lính đặc nhiệm, vũ khí hiện đại 

GNA đang phải chống lại cuộc phản công dữ dội của lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) ở Đông Libya của tướng Khalifa Haftar, vốn nhận được sự ủng hộ của Ai Cập, Jordan, Nga, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Pháp. Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng, có hiệu lực vào ngày 26-12, cho phép Ankara có thể gửi quân nhân cũng như thiết bị quân sự cho GNA. Tuy nhiên, việc triển khai quân cần phải được sự chấp thuận của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu trước các thành viên trong đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền, ông Erdogan nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận yêu cầu từ Libya và việc triển khai quân có thể sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 8 hoặc 9-1-2020. Theo hãng Deutsche Welle, Ankara nhiều khả năng sẽ đưa các đơn vị đặc nhiệm, sĩ quan tình báo, máy bay không người lái và vũ khí hiện đại đến Libya. Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sẽ dựa các lực lượng khác như lính đánh thuê là các phiến quân Syria. Theo Tổ chức giám sát nhân quyền Syria, lực lượng phiến quân tại Bắc Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã mở 4 trung tâm để các tay súng tham chiến tại Libya đăng ký. Mỗi tay súng sẽ nhận 2.000 USD/tháng khi tham gia nhiệm vụ tại Libya.

Trước quyết tâm triển khai quân của Chính  phủ Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia Kasapoglu của Viện Nghiên cứu EDAM có trụ sở tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), cảnh báo việc hạn chế trong hỗ trợ từ không quân có thể sẽ khiến các lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn. Ngoài ra, tham vọng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo động lực cho các đối thủ của Ankara kéo nước này vào một cuộc chiến kéo dài, hao tổn binh lực. 

Leo thang quân sự có tính toán

Ngoài thỏa thuận quốc phòng, Ankara còn ký với GNA một thỏa thuận riêng rẽ về ranh giới trên biển ở Đông Địa Trung Hải, khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ có các xung đột với Hy Lạp, Cyprus, Ai Cập và Israel về việc tiếp cận vùng biển có nguồn khí đốt tự nhiên vô cùng dồi dào. Với thỏa thuận này, Ankara đã chấm dứt thế cô lập ở Đông Địa Trung Hải và củng cố được vị thế của mình trong việc tranh giành ranh giới trên biển ở khu vực này. Micha’el Tanchum, một chuyên gia cấp cao tại Viện Chính sách an ninh và châu Âu của Áo, cho hay Ankara bị hạn chế rất nhiều trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở Đông Địa Trung Hải. Thỏa thuận hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ - GNA cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có mặt ở Libya là một bước tiến quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là kết quả của chiến lược leo thang trong hơn 1 năm qua của Ankara tại Libya.

Tổng thống Erdogan tuyên bố: “Mục tiêu của chúng tôi tại Địa Trung Hải không phải là giành lấy quyền của bất cứ ai mà ngăn chặn việc chiếm đoạt lợi ích của chúng tôi”. Giới quan sát lo ngại việc leo thang quân sự có tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Đông Địa Trung Hải, khu vực vốn đã căng thẳng, càng tăng nhiệt khi bị kéo thêm vào vòng xoáy Libya. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện tại Libya đã gióng lên hồi chuông báo động với Hy Lạp, Cyprus, Ai Cập và Israel.

Ngoài ra, Nga (quốc gia ủng hộ GNA) cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến động thái của Thổ Nhĩ Kỳ. Một đại diện của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt tại Moscow trao đổi với các nhà ngoại giao Nga về một giải pháp tại Syria, cũng đã thảo luận về vấn đề ở Libya. Mọi con mắt đang đổ dồn về chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông tham dự lễ khai trương đường ống dẫn khí đốt tự nhiên TurkStream vào ngày 8-1-2020; cùng thời điểm Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến bỏ phiếu về việc có cho phép Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội tại Libya hay không.

Tin cùng chuyên mục