Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022) 

Đồng chí Võ Văn Kiệt và những dấu ấn với Sài Gòn - Gia Định - TPHCM

LTS: Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo xuất sắc, luôn hết lòng vì đất nước, vì nhân dân, lấy mục tiêu lý tưởng của Đảng, lấy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm lẽ sống. Trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam (từ năm 1986), đồng chí là một trong những người đi đầu, với những chỉ đạo, điều hành mang dấu ấn quan trọng, táo bạo trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, góp phần đưa đất nước ta vượt qua thời điểm khó khăn, bước vào thời kỳ ổn định và phát triển. Đồng chí là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam học tập, noi theo. Báo SGGP trân trọng giới thiệu vệt bài đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022).

Đồng chí Võ Văn Kiệt - bác Sáu Dân là một nhà lãnh đạo bản lĩnh, trí tuệ, đa tài, một con người dám nghĩ, dám làm, kiên quyết làm và dám chịu trách nhiệm. Bất cứ lĩnh vực nào và ở đâu ông xuất hiện đều để lại những dấu ấn đặc biệt. Đối với Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, đồng chí Võ Văn Kiệt có những đóng góp hết sức quan trọng, góp phần vào những thắng lợi vẻ vang có tính chất quyết định của thành phố trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, trong chặng đường đầu đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiều 1-5-1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định TPHCM xây dựng hầm ngầm qua Thủ Thiêm (tại vị trí đặt cây chỉ). Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH


Trong bom đạn chiến tranh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với cương vị Bí thư Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Võ Văn Kiệt để lại những dấu ấn đặc biệt trong lãnh đạo tiến hành chiến tranh nhân dân ở địa bàn trọng điểm. Cuối năm 1959, đồng chí Võ Văn Kiệt được Xứ ủy điều động về làm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí là người đề nghị và tổ chức thực hiện việc sáp nhập Sài Gòn - Chợ Lớn với Gia Định, tạo thế chiến lược của chiến tranh nhân dân, tạo nên một Đảng bộ mạnh ngay sát nách và trong nội thành. Trong phong trào Đồng Khởi, với chủ trương đúng đắn kết hợp vũ trang nổi dậy ở ven đô với đấu tranh chính trị, binh vận, hàng loạt các cuộc nổi dậy giành quyền làm chủ đã diễn ra ở nông thôn Gia Định, tiêu biểu là ở Củ Chi, Thủ Đức, Bình Tân, Cần Giờ, Nhà Bè. Phong trào cách mạng ở đây không những tác động trực tiếp đến bộ máy đầu não của địch mà còn như là nơi khởi xướng cho phong trào đấu tranh ở các đô thị toàn miền Nam.

Đồng chí Võ Văn Kiệt chủ trương xây dựng, củng cố, phát huy vai trò căn cứ vùng ven, tạo thế đứng chân cho lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang tại chỗ và lực lượng nội thành. Một “vành đai đỏ” mà tiêu biểu là đất thép Củ Chi ở ngay sát nách trung tâm đầu não của chính quyền Mỹ và tay sai là một sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, mang đậm dấu ấn đồng chí Võ Văn Kiệt. 

Với quá trình xây dựng và chiến đấu của lực lượng vũ trang thành phố, đồng chí cho rằng cách tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang như các tỉnh đồng bằng Nam bộ có vùng giải phóng rộng lớn, chỉ có thể thích hợp với địa bàn Củ Chi. Còn các huyện khác và nhất là ở nội thành phải có hình thức tổ chức lực lượng vũ trang thích hợp như tổ chức tự vệ mật, du kích mật hoạt động theo phương châm đánh đau, đánh hiểm nhưng không lộ mặt, giấu được mình để tồn tại được ở các vùng địch còn chiếm đóng hoặc đang tranh chấp. Sự chỉ đạo sát đúng này đã tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang ở nội thành ngày càng phát triển và hiệu quả. 

Trong sự hình thành và phát triển của lực lượng biệt động thành, đồng chí không những là người tổ chức, xây dựng lực lượng mà còn là người trực tiếp tham gia xây dựng các kế hoạch hoạt động của lực lượng này, trực tiếp chỉ đạo và chỉ huy một lực lượng chủ yếu của biệt động thành trong Mậu Thân 1968, góp phần tạo nên một đòn đánh hiểm hóc vào chính cơ quan đầu não của địch. Đặc biệt, ông đã yêu cầu bổ sung một mục tiêu tiến công là đánh thẳng vào Tòa Đại sứ Mỹ, làm cả nước Mỹ rúng động, lung lay ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, buộc họ phải xuống thang, thay đổi chiến lược chiến tranh.

Những quyết sách hợp lòng dân

Sau ngày giải phóng, đất nước thống nhất, trước những bộn bề của cuộc sống nhân dân trong tình hình mới, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng tập thể lãnh đạo thành phố nhanh chóng lập lại trật tự trị an, giữ vững và khôi phục sản xuất. Sài Gòn được giải phóng với một thành phố gần như còn nguyên vẹn là một chiến công đặc biệt có một không hai trong lịch sử quân sự, một kết thúc chiến tranh thật độc đáo chưa từng có trên thế giới. Là người được phân công phụ trách vấn đề tiếp quản Sài Gòn sau giải phóng, đồng chí hiểu nhiệm vụ đầu tiên là huy động công nhân cùng với lực lượng tự vệ xí nghiệp phải giữ các xí nghiệp còn lại không bị địch phá hoại. 

Cùng với giữ vững các cơ sở sản xuất công nghiệp, đồng chí Võ Văn Kiệt cùng tập thể Thành ủy đã lãnh đạo và chỉ đạo khẩn trương, kiên quyết khôi phục sản xuất nông nghiệp, giải quyết khâu lưu thông hàng hóa giữa nông thôn ngoại thành với nội thành. Nhờ đó, cả một vùng nông nghiệp rộng lớn đã hồi sinh, khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học, phát triển chăn nuôi, trồng trọt kết hợp với cải tạo đất. Vành đai xanh đã góp phần giải quyết được trên một nửa nhu cầu về lương thực thực phẩm của thành phố lúc đó.

Đồng chí đã sớm nhận ra mối liên hệ máu thịt giữa TPHCM với vùng Nam bộ và cả nước. Từ đó, đồng chí với tư cách khi đó là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo tổ chức và chủ trì những cuộc họp với bí thư các tỉnh trong vùng để bàn biện pháp tháo gỡ bế tắc trong đời sống kinh tế - xã hội. Khi bàn bạc trao đổi, việc gì thấy có lợi và đã thống nhất ý kiến nhưng chưa có chủ trương của Trung ương thì “ngoéo tay” cùng làm và cùng chịu trách nhiệm, trước hết là Bí thư Thành ủy.

Đồng chí Võ Văn Kiệt dám làm, dám đổi mới, trước hết là vấn đề mua bán, trao đổi lương thực để giải quyết ngay việc dân thành phố đang đối diện với thiếu đói gay gắt. Cả tập thể Thành ủy TPHCM, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt đều phải lo “chạy gạo” cho dân. Trong tình trạng các xí nghiệp quốc doanh đều rất khó khăn, tưởng như không có đường ra, ông đã trực tiếp chỉ đạo cho phép làm theo những sáng kiến, sáng tạo của công nhân, của các giám đốc, các chuyên gia. Người ta cho việc đó là “xé rào”. Nhưng khi tổng kết đã được coi đó là “bước đột phá” về cách làm ăn mới, cần phải chuyển biến mạnh trong nhận thức, tức là phải đổi mới tư duy. Và sự “xé rào” ấy trong hòa bình của đồng chí và tập thể lãnh đạo ở TPHCM đã góp phần rất quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng.

Khi chuyển ra công tác ở Trung ương, với cương vị mới ở tầm quốc gia, đồng chí Võ Văn Kiệt với tư duy chiến lược, tác phong sâu sát, quyết đoán đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Dấu ấn Võ Văn Kiệt gắn trên tất cả các công trường xây dựng ở miền Bắc, miền Nam, từ các cánh đồng lúa đến các nông trường, lâm trường, từ các công trình thủy lợi, thủy điện, đường dây 500kV đến các dự án thoát lũ ra biển, ngọt hóa Đồng bằng sông Cửu Long, đường Hồ Chí Minh… Những việc làm của đồng chí ở tầm cả nước, nhưng đối với TPHCM, những vấn đề đó đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự phát triển sản xuất, đời sống của người dân.

Thiếu tướng, PGS-TS VŨ QUANG ĐẠO
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

Tin cùng chuyên mục