Dòng chảy thơ ca

Khá lâu rồi công chúng mới có cơ hội tham dự một chương trình về thơ độc đáo và nhiều cảm xúc như “Còn hôm nay ta còn mãi mãi”, diễn ra vào cuối tuần qua tại TPHCM.
Dòng chảy thơ ca

Chương trình như một sự tôn vinh vẻ đẹp của ngôn từ, qua đó giúp công chúng thêm yêu tiếng Việt. Tại chương trình, người yêu thơ có dịp thưởng lãm tác phẩm và đối thoại với các nhà thơ gồm: Vi Thùy Linh, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Phong Việt, Nam Thi và rapper Táo, để nhìn về những chuyển động thơ và nghệ thuật hiện nay. Những tác phẩm được trình bày trong không gian rộng mở với ánh sáng, âm thanh, hình ảnh 3D theo phong cách của từng cá tính sáng tạo thơ. 

Lần đầu tiên tham dự một chương trình triển lãm về thơ, Hà Ngọc (sinh viên Trường Đại học Văn hóa TPHCM) không nghĩ chương trình lại quy củ và độc đáo như vậy. “Tôi tin rằng, những người đến với triển lãm thơ là những người có tâm hồn rung động, biết cảm nhận cái đẹp trong cuộc sống khá nhộn nhịp và xô bồ như hiện nay”, Hà Ngọc chia sẻ.

Từ năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng lên, 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022) Ngày thơ Việt Nam diễn ra vào rằm Nguyên tiêu hàng năm gần như phải tạm dừng. Gần đây, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường, những hoạt động thơ ca đang dần dần được hồi sinh tại TPHCM. Vào tháng 4, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng và 3 tác giả trẻ đã cùng tổ chức đêm thơ “Thờ ơ”, đồng thời ra mắt tập thơ in chung cùng tên. Đêm thơ ấy là một cuộc hội ngộ đầy cảm xúc giữa những người yêu thơ sau một thời gian dài phải giãn cách vì dịch bệnh. 

Là một trong 5 người có thơ được triển lãm tại chương trình, nhà thơ Ngô Thị Hạnh (hội viên Hội Nhà văn TPHCM) cho rằng, bản thân chị cần phải nỗ lực nhiều hơn. Bởi chị nhận thấy công chúng quan tâm đến thơ ca, đặt thơ ca lên tầm ảnh hưởng của nghệ thuật trong đời sống. “Khi thơ ca được đưa lên máy chiếu, được vẽ, viết trên chất liệu sang trọng, đẹp, là người làm thơ, tôi cảm thấy được trân trọng và thấy cần nỗ lực hơn nữa để viết hay hơn, chất hơn”, nhà thơ Ngô Thị Hạnh chia sẻ. 

Theo nhà thơ Ngô Thị Hạnh, việc tổ chức trở lại những hoạt động thơ ca là một tín hiệu vui. Trước đây, tác giả thường trông đợi độc giả mua tập thơ của mình, hay chủ yếu đọc thơ trên giấy. Tuy nhiên, thế hệ độc giả bây giờ đang quá bận và hiện có một dòng chảy mới - đó là đưa thơ ca lên chất liệu của hội họa, đưa thơ ca thành âm thanh, hình ảnh. 

Khi thơ đến được với công chúng mà họ đồng cảm thì họ sẽ tiếp tục tìm hiểu. Và sự kiện vừa qua là một dấu hiệu cho thấy dòng chảy thơ ca mãi tiếp diễn.

Tin cùng chuyên mục