Đồng bộ thể chế pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài

Bộ Nội vụ đang hoàn thiện đề án “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài”. Đề án được xem là “chìa khóa” để tuyển dụng, thu hút, trọng dụng nhân tài; là nguồn lực quan trọng để đưa đất nước phát triển và hùng cường. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với bà Lê Minh Hương (ảnh), Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ.

* PHÓNG VIÊN: Trọng dụng nhân tài là nội dung rất quan trọng trong chiến lược cán bộ của Đảng. Cần phải nhận thức như thế nào trong vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài, thưa bà? 

* Bà LÊ MINH HƯƠNG: Bài học thành công của các nước phát triển trên thế giới, trong đó có nhiều nước ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều cho thấy họ dành sự quan tâm đặc biệt cho 2 nguồn lực: thể chế tốt và nhân lực tốt. Trong khi đó, Mỹ là nước điển hình nhất cho sự thành công của chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài. 

Nếu chúng ta không sớm có chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài sẽ dẫn đến hậu quả làm cho đất nước không theo kịp tốc độ phát triển của thế giới. Bởi, lãng phí nhân tài là lãng phí lớn nhất. Đảng ta cũng nhiều lần khẳng định đầu tư cho con người, xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Đây là nguồn tài nguyên vô giá, không thể thay thế và mãi trường tồn để phát triển đất nước hùng cường, tạo ra sức mạnh quốc gia.

* Dự thảo có đề cập tới phương châm thực hiện 4 tốt “Đãi ngộ tốt - Cơ hội thăng tiến tốt - Môi trường làm việc tốt - Để sáng tạo tốt”. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều địa phương đã có cơ chế, thậm chí sử dụng cơ chế “đặc thù”, “riêng biệt” để trọng dụng và thu hút nhân tài, nhưng người tài vẫn ra đi?

* Đặc điểm chung rút ra từ nhận định của các tổ chức quốc tế và Đảng ta là nước ta đang có sự phát triển không đều giữa các địa phương. Song khi xây dựng chính sách đãi ngộ nhân tài, nhiều địa phương chưa chú ý đến đặc điểm này; một số nội dung chính sách chưa sát thực tiễn, dẫn đến khi thực hiện gặp khó khăn.

Nguyên nhân sâu xa do chúng ta chưa thực sự tôn trọng các quy luật khách quan, như quy luật tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, quy luật tiến trình tư tưởng phụ thuộc tiến trình vật chất… Và hệ quả là nếu đặt quá nặng vào yếu tố đãi ngộ vật chất, tính khả thi của chính sách trọng dụng, đãi ngộ nhân tài không cao. 

Bài học rút ra là chúng ta không xem nhẹ đãi ngộ vật chất mà phải tìm đến sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố vật chất và tinh thần. Qua khảo sát kinh nghiệm của một số quốc gia thành công về chính sách trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, chúng tôi nhận thấy, hầu hết người có tài năng ở các nước không quá đặt nặng vấn đề đãi ngộ vật chất. Ví dụ, ở Canada, Australia, Đức, họ nhấn mạnh đến niềm vinh dự, tự hào được cống hiến cho đất nước, dân tộc và nhân loại. Và chính sách trọng dụng nhân tài của các nước cũng chú trọng đến việc trao tặng huân chương công trạng.

* Thu hút, trọng dụng nhân tài cần “có vào, có ra”, “có lên, có xuống” để tạo ra sức hút, sự cạnh tranh và cống hiến. Quan điểm của Bộ Nội vụ như thế nào?

* Công tác cán bộ phải đảm bảo “có vào, có ra”, “có lên, có xuống” để tạo ra sức hút, sự cạnh tranh và cống hiến, đó là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Gần đây nhất, Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, khóa XII cũng nhấn mạnh: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ”. Dự thảo chiến lược cũng nhất quán điều này.

* Trọng dụng nhân tài có quy định về người là đảng viên hay người ngoài Đảng hay không? 

* Như tôi đã nhấn mạnh ở trên, điểm nhấn quan trọng trong dự thảo chiến lược là xác định thu hút, trọng dụng nhân tài, không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng. Điều đó có cội nguồn sâu xa từ truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam, được kết tinh và tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh. 

Ngay trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa VI trình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã nhấn mạnh: “Đổi mới quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ. Thực hiện chính sách đoàn kết, động viên, phát huy mọi lực lượng cán bộ, cả ở trong Đảng và ngoài Đảng; không hẹp hòi, định kiến về lý lịch và thành phần xuất thân”.

Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7, khóa XII đã cụ thể hóa hơn: “Xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”.

* Thu hút, trọng dụng nhân tài vừa là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên và lâu dài của cấp ủy đảng, chính quyền. Bộ Nội vụ có hướng dẫn, giải pháp gì để các địa phương làm tốt điều này, thưa bà?

* Bộ Nội vụ đưa ra 8 nhóm giải pháp và lộ trình thực hiện. Trong đó, giải pháp hàng đầu là phải đổi mới nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc xây dựng và tổ chức thi hành theo tinh thần thượng tôn pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện, chiến lược sẽ tập trung vào việc hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ thể chế pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài, bảo đảm đồng bộ với quy định về công tác cán bộ của Đảng; có thực hiện thí điểm và sơ kết, rút kinh nghiệm, không nôn nóng, chủ quan, duy ý chí.

* Xin cảm ơn bà! 

Tin cùng chuyên mục