Đồng bằng sông Cửu Long: Sớm an cư cho người dân vùng sạt lở

Tình hình sạt lở ở các tỉnh ven biển ĐBSCL vẫn diễn biến phức tạp, những cư dân sống tại khu vực rừng phòng hộ, vùng nguy cơ cao về thiên tai tiếp tục sống thấp thỏm. Nơi ở an toàn cho người dân càng trở nên bức bách khi mùa mưa bão đã cận kề.  
Sạt lở khu vực cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau
Sạt lở khu vực cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Chưa thể an cư 

Nhiều năm nay, những người dân là xã viên của HTX Chế biến than 2-9 (xã Tam Giang, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) sống trong nỗi lo nhà cửa cùng những lò than nằm bên dòng Kênh 17 có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào... Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Chế biến than 2-9, cho biết, những năm trước ở khu vực này đã  xảy ra sạt lở làm hư hỏng nhiều lò than và nhà cửa của người dân. “Đây là một trong những điểm nóng sạt lở ở địa phương. Do đó, mong muốn của bà con là được chính quyền bố trí nơi ở khác an toàn hơn”, ông Bình kiến nghị.

Tương tự đó là nhiều hộ dân sống ven khu vực rừng phòng hộ, các cửa sông, cửa biển… trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Chủ tịch UBND phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) Nguyễn Văn Hưởng cho biết, qua rà soát trên địa bàn có khoảng 150 hộ dân sống ở khu vực rừng phòng hộ dễ bị ảnh hưởng do thiên tai gây ra. “Địa phương đã đề xuất cấp thẩm quyền xây dựng khu tái định cư để di dời dân, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, dù đã có quy hoạch, nhưng khu tái định cư vẫn chưa được xây dựng”, ông Hưởng nói.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, khu tái định cư khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát (thuộc giai đoạn 2) chỉ mới thực hiện khảo sát, thiết kế và điều tra lập phương án giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện việc thu hồi đất do tổng chi phí đầu tư khá lớn, khoảng 106 tỷ đồng. Trong khi, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án đã hết hạn mức, còn ngân sách tỉnh chưa cân đối được. Do đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đã quyết định tạm dừng xây dựng, khi đủ điều kiện sẽ cho triển khai thực hiện.

Thiếu vốn 

Để di dời dân vùng sạt lở vào nơi an toàn, tỉnh Cà Mau tiến hành xây dựng khu tái định cư ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời). Dù dự án triển khai đã lâu, nhưng hiện nay còn thi công dang dở. Đặc biệt, đoạn 860m đầu tuyến mới thi công lắp dựng tường kè, còn một số đoạn khác thì chưa thi công do vướng mặt bằng. Tại khu tái định cư Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) cũng cùng chung cảnh ngộ. Điều này dẫn đến tình trạng chậm bố trí dân sống vùng ảnh hưởng bởi thiên tai vào nơi ở mới. 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, lộ trình đến năm 2025, tỉnh cần khoảng 1.200 tỷ đồng để di dời gần 5.700 hộ ở những nơi có nguy cơ thiên tai cao vào sinh sống ổn định tại các khu dân cư mới. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế nên trước mắt tỉnh ưu tiên xây dựng những khu tái định cư dành cho những hộ dân ở khu vực nóng nhất về sạt lở.

Trong khi đó, nhiều người dân xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) phản ánh, dự án khu tái định cư rừng phòng hộ trên địa bàn xây dựng đã lâu, nhưng chậm đưa vào sử dụng. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hậu Nguyễn Ngọc Phương thông tin: “Chúng tôi đã kiến nghị cấp trên sớm có kế hoạch đưa dân vào ở. Vì hiện nay là mùa mưa bão, triều cường dâng cao, nước ngập, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực rừng phòng hộ”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân, dự án các khu tái định cư thuộc rừng phòng hộ được UBND tỉnh phê duyệt năm 2014, xây dựng 8 khu tái định cư tại huyện Hòa Bình, huyện Đông Hải và TP Bạc Liêu. Hiện UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Tài chính đề xuất phương án, nguồn kinh phí lập đề án di dời dân cư sinh sống ở khu vực rừng phòng hộ vào các khu tái định cư. Dự kiến, trong năm 2021 sẽ hoàn thành và phê duyệt đề án thực hiện nhằm di dời dân trong năm 2022.

Tin cùng chuyên mục