“Đón lõng” nhu cầu thị trường cuối năm

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, Việt Nam nhập siêu 1,3 tỷ USD và cán cân thương mại chung 8 tháng thâm hụt 3,71 tỷ USD. Tuy vậy, Bộ Công thương nhận định, các tháng cuối năm mới là thời gian xuất khẩu tăng tốc, nhu cầu tiêu dùng của các nước gia tăng mạnh khi kinh tế phục hồi, dịch Covid-19 được kiểm soát nhờ chiến lược tiêm vaccine hoặc sống chung với virus. Nhờ vậy, Việt Nam có thể kỳ vọng xuất khẩu tăng trưởng bù đắp cho mức nhập siêu quá lớn nhiều tháng qua.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cũng dự báo, các nước nhập khẩu sẽ tăng lượng hàng hóa nông sản, thủy sản thu mua từ nay đến cuối tháng 10 để trữ bán vào mùa lễ hội của thế giới, diễn ra từ tuần thứ 2 của tháng 11 và dịp năm mới 2022. Trong đó, các sản phẩm đông lạnh (chủ yếu là thủy sản) xuất khẩu sẽ tăng nhu cầu từ tháng 9 đến tháng 1-2022, vì đây là thời điểm các quốc gia nhập khẩu không sản xuất được nhiều. 

Hơn 1 tháng gần đây, các nước châu Âu đã nới lỏng kiểm dịch, mở cửa thị trường nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản. Ngay cả với thị trường lớn như Trung Quốc, hiện nay, mặc dù gần như đang “đóng cửa” với trái thanh long từ Việt Nam, nhưng nhu cầu nhập thủy sản, các mặt hàng trái cây tươi vào dịp cuối năm thường rất lớn. Đây là cơ sở để Việt Nam “đón lõng” thời cơ, chuẩn bị nguồn hàng, tăng tốc xuất khẩu. 

Nhưng để thực hiện được mục tiêu kép, tăng trưởng xuất khẩu, giảm nhập siêu, trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp ở nước ta, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương phải có ngay các giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, nhất là ở khu vực phía Nam. Trong đó, những giải pháp trọng tâm là đảm bảo khơi thông hệ thống gần 290 cảng biển, nhanh chóng giải phóng số container tồn. Cùng với đó là phải đảm bảo đủ nguyên vật liệu, thiết bị, phụ tùng máy móc cho sản xuất cùng với hỗ trợ tiền điện, xăng dầu, giảm chi phí logistics, lưu kho bãi cho doanh nghiệp; ưu tiên tiêm vaccine, sắp xếp nhân lực để sớm mở lại những cảng xuất khẩu gạo và nông sản đang tạm dừng vì dịch. Các cơ quan quản lý cũng nên cho phép những doanh nghiệp đủ điều kiện làm thêm giờ, tăng ca để kịp đơn hàng giao theo hợp đồng, tránh bị phạt hoặc bị bạn hàng “chuyển hướng”; đẩy mạnh kết nối giao thương để nhanh chóng tiếp cận những thị trường xuất khẩu mới. 

Giải pháp trước mắt là cần giữ vững các thị trường truyền thống, như Trung Quốc, trong đó, tăng cường đàm phán với các cơ quan liên quan của Trung Quốc để tháo gỡ ách tắc cho trái cây, nông sản ở cửa khẩu phía Bắc. Thêm nữa, khai thác tốt hơn chính sách miễn giảm thuế từ các hiệp định thương mại tự do để tranh thủ xuất khẩu vào EU, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, ASEAN, Trung Đông… Doanh nghiệp cũng cần ưu tiên xuất khẩu vào các thị trường sớm khôi phục sau đại địch, xác định lại từng chủng loại hàng hóa mà các nước đang cần nhiều để tập trung sản xuất, nhưng cũng phải kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng hàng xuất khẩu, tránh lặp lại những trường hợp như “mì Hảo Hảo”, “mì Thiên Hương”, “miến Good” vừa bị Ireland và Na Uy cảnh báo để bảo vệ uy tín, danh tiếng hàng xuất khẩu.   

Tin cùng chuyên mục