Đón dòng vốn đầu tư lớn từ Hàn Quốc

64,5 tỷ USD là tổng vốn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Với mức đầu tư này đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất tại đây. Mới đây, Tổng lãnh sự Hàn Quốc cho biết, doanh nghiệp nước này sẽ tiếp tục đổ mạnh vốn đầu tư vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực liên quan đến sản xuất thiết bị điện, năng lượng thân thiện môi trường và lưới điện thông minh. 
Truyền tải điện thông minh sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc. Ảnh: THÀNH TRÍ
Truyền tải điện thông minh sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư từ Hàn Quốc. Ảnh: THÀNH TRÍ

Thị phần năng lượng lớn

Phân tích về tiềm năng phát triển thị trường thiết bị điện, lưới điện thông minh và năng lượng sạch, ông Lim Jae-Hoon, Tổng lãnh sự Hàn Quốc, cho biết Việt Nam đang có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, trên 6%/năm. Điều này kéo theo lượng tiêu thụ điện hàng năm tăng khoảng 10%. Dự kiến, Việt Nam cần tăng công suất phát điện lên 2,5 lần trong giai đoạn 2015-2030 mới có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng. Do vậy, Chính phủ Việt Nam sẽ phải chủ động hơn trong các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, cũng như đảm bảo các vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng. 

Về phía Việt Nam, Bộ Công thương khẳng định, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia cho thấy, lần đầu tiên hệ thống điện quốc gia đã đạt công suất lên đến gần 39.000MW. Cụ thể, vào ngày 20-5-2019, công suất hệ thống điện toàn quốc đã đạt tới 36.885MW, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng điện của cả nước cũng ghi nhận con số cao kỷ lục ở mức 785,92 triệu kWh, tăng đến 15% so với mức cùng kỳ năm 2018.

Riêng tại TPHCM, theo thống kê của Trung tâm Đo đếm hệ thống điện TPHCM, lượng điện năng tiêu thụ của thành phố đạt mức 90,038 triệu kWh, cao hơn 10% so với đỉnh của năm 2018. Con số này cũng cao gấp 2,5 lần so với ngày thấp nhất tính từ đầu năm 2019.  Dự báo trong năm 2019, sản lượng điện thương phẩm toàn quốc sẽ đạt 211,95 tỷ KWh. Trong đó TPHCM đạt 26 tỷ kWh, chiếm tỷ lệ 12,19%.  

Điều này cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn trong việc ổn định nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Mặt khác, đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp hiệu quả trong việc tiết kiệm năng lượng, cũng như phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng thay thế, đóng góp vào tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Đặc biệt là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cùng với các giải pháp chuyển đổi thay thế nhiên liệu để đem lại lợi ích kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện môi trường an ninh năng lượng quốc gia. Và đây cũng chính là dư địa để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất và phát triển thị phần sản phẩm tiết kiệm năng lượng cũng như sản xuất năng lượng. 

Chuyển thách thức thành cơ hội

Cũng theo ông Lim Jae-Hoon, Hàn Quốc đã xây dựng được nền tảng lưới điện thông minh có sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) với nền tảng lưới điện hiện hữu. “Chúng tôi cũng đang đạt được cơ chế vận hành và quản lý hiệu quả, bền vững các hệ thống năng lượng điện, giảm được hiệu ứng nhà kính nhờ ứng dụng hệ thống thân thiện môi trường. Mặt khác, nâng cao môi trường kinh tế nhờ vào các chủ trương phát triển thị trường và các ngành kinh doanh mới. Và trên cơ sở đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực này sẽ tăng cường mở rộng thị phần kinh doanh tại Việt nam trong thời gian tới. Trước mắt, trong tháng 7-2019, hơn 150 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đến TPHCM để tìm hiểu thị trường và cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường tại đây”, ông Lim Jae-Hoon thông tin. 

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết thêm, các doanh nghiệp Hàn Quốc đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại TPHCM trong đợt này tập trung chủ yếu giải pháp sử dụng lưới điện thông minh có kết hợp với mạng thông tin 5G, sản phẩm giúp tiết kiệm năng lượng, sản xuất năng lượng mặt trời, năng lượng gió… Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng triển khai chương trình Tuần lễ Năng lượng và Điện thông minh Hàn Quốc 2019 - KOSEF, để tạo cơ hội kết nối, xúc tiến hợp tác đầu tư phát triển lĩnh vực sản xuất năng lượng tại Việt Nam. 

Không những thế, cũng trong tháng 7-2019 có đến hơn 300 doanh nghiệp thuộc các thương hiệu lớn đến từ các quốc gia như Đức, Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Hồng Công như Gelex, ABB, LS Vina, Panasonic, Philips, Long Giang, APS, Tuấn Ân, Thịnh Phát, Hòa Phát Legrand, Huawei… đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị phần tại Việt Nam. 

Có thể thấy, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đã và đang tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn cho lĩnh vực sản xuất năng lượng. Theo đó, nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tranh thủ kinh nghiệm và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… nhằm huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế đã được các địa phương triển khai.

Bên cạnh đó, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch đang trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, cộng đồng, tổ chức xã hội… Đây chính là dư địa thị trường tiềm năng để nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đẩy mạnh đầu tư phát triển loại hình sản xuất này trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục